Hiện nay, tình trạng người dân rời xa nơi thường trú để đến nơi khác sinh sống và làm việc là vô cùng phổ biến. Khi đi khỏi nơi thường trú trong thời gian quy định, phải thực hiện đăng ký tạm trú. Tuy nhiên, không phải người nào cũng thực hiện nghiêm yêu cầu này. Vậy theo quy định, người thuê hay chủ trọ phải đi đăng ký tạm trú?
Theo khoản 9 Điều 2 Luật Cư trú năm 2020, nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú.
Điều 27 Luật Cư trú nêu rõ, công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.
Theo quy định này, chỉ khi đi khỏi nơi đăng ký trường trú từ 30 ngày trở lên thì sẽ phải đăng ký tạm trú. Đây là quyền lợi đồng thời cũng là nghĩa vụ của mỗi công dân. Và Luật cũng quy định rõ, người phải thực hiện nghĩa vụ đăng ký tạm trú là người đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp mới ngoài nơi đã đăng ký thường trú.
Do đó, người có nghĩa vụ phải đăng ký tạm trú là người đi thuê nhà. Ngoài ra, việc đăng ký tạm trú còn mang lại nhiều quyền lợi cho người đi thuê trọ.
Trong đó có thể kể đến như có thể cho con học tại các trường công lập trên địa bàn nơi tạm trú. Nếu có hoả hoạn, cướp giật, trộm cắp, gây gổ... thì người đã đăng ký tạm trú sẽ được bảo đảm an toàn. Khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, người đã đăng ký tạm trú sẽ được chính quyền địa phương nơi đăng ký tạm trú hỗ trợ. Được mua bảo hiểm y tế hộ gia đình tại nơi đăng ký tạm trú, thuận lợi khi đi khám, chữa bệnh...
Như vậy, có thể thấy, việc đăng ký tạm trú là nghĩa vụ của người thuê nhà để được hưởng trọn quyền lợi. Tuy nhiên, thường chủ nhà sẽ quen thuộc với địa điểm đăng ký tạm trú, cơ quan thực hiện đăng ký tạm trú... hơn người đi thuê. Do đó, nếu được, người thuê nên nhờ chủ trọ hướng dẫn để việc đăng ký tạm trú được diễn ra nhanh chóng.
Riêng với trường hợp người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam, người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú có trách nhiệm khai báo tạm trú cho bên thuê nhà người nước ngoài theo quy định tại Điều 33 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014.
Khi người nước ngoài thay đổi nơi tạm trú hoặc tạm trú ngoài địa chỉ ghi trong thẻ thường trú thì cũng phải khai báo tạm trú theo quy định trên.
Không đăng ký tạm trú bị phạt bao nhiêu?
Tại điểm a khoản 1 Điều 9 Nghị định 144 năm 2021 quy định, người không thực hiện đúng quy định về đăng ký tạm trú có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Theo đó, nếu người đi thuê nhà không thực hiện nghĩa vụ đăng ký tạm trú của mình thì có thể sẽ bị phạt hành chính với mức phạt lên đến 1 triệu đồng.
Với trường hợp cho người nước ngoài thuê nhà, nếu người cho thuê không khai báo tạm trú cho khách thuê là người nước ngoài thì sẽ bị phạt tiền từ 4 đến 6 triệu đồng theo quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 9 Nghị định 144.
Ngoài ra, một số vi phạm khác liên quan đến đăng ký tạm trú cũng bị phạt tiền từ 4 đến 6 triệu đồng theo khoản 4 Điều 9 Nghị định 144: Cung cấp thông tin, giấy tờ, tài liệu sai sự thật về cư trú để được đăng ký tạm trú; Làm giả, sử dụng giấy tờ, tài liệu, dữ liệu giả về cư trú để được đăng ký tạm trú; Cản trở, không chấp hành việc kiểm tra tạm trú, lưu trú theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Tuệ Minh
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/cho-thue-nha-nguoi-thue-hay-chu-tro-phai-di-dang-ky-tam-tru-a601072.html