Theo báo cáo tài chính quý III/2023, VRG ghi nhận doanh thu thuần 5,1 tỷ đồng, giảm mạnh tới 76% so với con số 21,3 tỷ đồng cùng kỳ. Giá vốn hàng bán được cắt giảm hơn 5 tỷ đồng xuống mức 2,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khấu trừ, lãi gộp của doanh nghiệp chỉ còn 2,5 tỷ đồng, giảm 82%.
So với quý III/2022, doanh thu hoạt động tài chính của công ty giảm tới 93%, chỉ thu về hơn 100 triệu đồng; chi phí tài chính tăng hơn 5 lần lên gần 190 triệu đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng nhẹ lên 6,9 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh ghi nhận âm 4,4 tỷ đồng dù cùng kỳ lãi 10,9 tỷ đồng.
Trừ đi thuế và các chi phí khác, VRG báo lỗ sau thuế 4,4 tỷ đồng trong quý III/2023, trong khi cùng kỳ lãi gần 9 tỷ đồng. Đây là quý có mức lỗ cao nhất của VRG kể từ khi doanh nghiệp này được đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM năm 2014.
Trích báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong quý III/2023 của VRG.
Giải trình nguyên nhân kinh doanh thua lỗ, VRG cho rằng chủ yếu trong quý III/2023, công ty không phát sinh hợp đồng cho thuê đất và hạ tầng. Ngoài ra, các khoản tiền gửi có kỳ hạn giảm so với cùng kỳ do công ty sử dụng nguồn tiền này để triển khai các hạng mục đầu tư, đồng thời có các khoản phát sinh phục vụ đầu tư vào khu công nghiệp Cộng Hòa.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, VRG ghi nhận doanh thu thuần hơn 24 tỷ đồng, giảm 21%; lỗ ròng hơn 3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 7 tỷ đồng. Như vậy, so với kế hoạch kinh doanh đề ra trong năm 2023, VRG mới chỉ thực hiện được 10% chỉ tiêu tổng doanh thu và chưa thể thực hiện được chỉ tiêu lãi sau thuế. Có thể thấy, doanh nghiệp sẽ khó hoàn thành kế hoạch khi đã bước sang quý cuối cùng của năm 2023.
Tính đến cuối quý III/2023, tổng tài sản VRG có 725,2 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với số đầu năm. Trong đó có 66 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền; khoản đầu tư tài chính ngắn hạn giảm gần như toàn bộ, chỉ còn hơn 18 triệu đồng, trong khi đầu năm là 55 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn; các khoản phải thu ngắn hạn giảm 63% còn 61,7 tỷ đồng; chi phí xây dựng cơ bản dở dang hơn 281 tỷ đồng, tăng 109% so với số đầu năm.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của VRG tăng 20% lên mức mức 456,8 tỷ đồng, bao gồm 109,9 tỷ đồng nợ ngắn hạn (chiếm 24% tổng nợ) và 346,9 tỷ đồng nợ dài hạn (76% tổng nợ). Đáng chú ý, doanh nghiệp hoàn toàn không có nợ vay.
Trong một diễn biến khác, Nghị quyết HĐQT ngày 10/10 của VRG đã thống nhất chủ trương tham gia đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Quốc tế Trường Hải trên địa bàn xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Qua đó, thống nhất việc vay vốn, thế chấp bằng tài sản với ngân hàng BIDV chi nhánh Bắc Hải Dương để tham gia đấu giá dự án nói trên.
Được biết, công ty cổ phần Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam được thành lập năm 2005 với mã số thuế 0800300443, hoạt động chính trong các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, dây dựng nhà ở, căn hộ, văn phòng và các công trình giao thông thủy lợi. Năm 2014, cổ phiếu công ty chính thức được giao dịch trên thị trường UPCoM.
Trụ sở công ty được đặt tại khu công nghiệp Cộng Hòa, phường Cộng Hòa, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Người đại diện là ông Phạm Trung Thái – Chủ tịch HĐQT, hiện đang nắm giữ 15,46% cổ phần công ty.
Ngọc Bảo
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/vrg-ghi-nhan-khoan-lo-ky-luc-trong-quy-iii2023-a601137.html