Mượn xe của người khác cần mang theo giấy tờ gì để không bị phạt?

Nhiều người thắc mắc, trường hợp đi “xe không chính chủ” tham gia giao thông mà bị CSGT dừng xe kiểm tra thì cần xuất trình các loại giấy tờ gì để không bị phạt.

Từ 15/8, thông tư 24/2023 có hiệu lực thì biển số định danh là biển số xe được cấp và quản lý theo mã định danh của chủ xe. Biển số định danh phải đảm bảo là biển số có ký hiệu số seri, kích thước biển số và số màu biển số theo quy định của thông tư về đăng ký xe.

Các xe đã đăng ký biển 5 số trước ngày 15/8 mà chưa làm thủ tục thu hồi thì biển số đó được mặc định là biển số định danh của chủ xe. Nếu người dân muốn sang tên đổi chủ phải thực hiện theo đúng quy định và phải chuyển sang biển 5 số là biển số định danh. Do biển số định danh chỉ áp dụng với biển 5 số nên xe đã đăng ký biển 3 hoặc 4 số trước đây vẫn tiếp tục được phép tham gia giao thông. Nếu người dân có nhu cầu, công an sẽ thu hồi biển 3 số, 4 số rồi cấp đổi sang biển 5 số để quản lý theo định danh cá nhân của chủ biển.

"Đối với xe không chính chủ đã đăng ký biển 5 số thì biển đó mặc định là biển số định danh của người đang đứng tên trên giấy đăng ký xe chứ không phải người đang sử dụng. Khi mua bán xe, trong vòng 30 ngày chủ xe phải thực hiện thủ tục sang tên đổi chủ. Do đó, người dân cần chấp hành đúng quy định về sang tên đổi chủ khi chuyển nhượng xe", Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an) thông tin với VOV.

Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, người dân đang sử dụng xe không chính chủ đến cơ quan quản lý hồ sơ đăng ký xe đó để làm thủ tục thu hồi và đăng ký sang tên mình. Trường hợp cơ quan quản lý hồ sơ đồng thời là nơi đăng ký xe trước đây sẽ không phải làm thủ tục thu hồi.

Người dân đang sử dụng nộp hồ sơ và làm thủ tục tại cơ quan đang quản lý hồ sơ đăng ký xe đó. Người sử dụng phải nộp giấy khai đăng ký xe, trong đó ghi rõ quá trình mua bán và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về nguồn gốc xe; nộp thêm chứng từ chuyển quyền sở hữu của chủ xe và người bán cuối cùng (nếu có) và nộp lệ phí trước bạ.

Trường hợp người dùng có chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của chủ xe và của người bán cuối cùng, trong hai ngày làm việc, cơ quan đăng ký xe ra quyết định xử phạt về hành vi không làm thủ tục thu hồi. Xử phạt xong, cơ quan công an sẽ đăng ký sang tên theo quy định. Nếu không có chứng từ chuyển quyền sở hữu, cơ quan công an sẽ cấp giấy hẹn để được sử dụng xe trong 30 ngày. Cơ quan công an sẽ gửi thông báo cho chủ xe, cơ quan đã đăng ký cho xe đó và niêm yết công khai về việc tiếp nhận hồ sơ đề nghị đăng ký; tra cứu tàng thư xe mất cắp và dữ liệu đăng ký xe. Sau 30 ngày nếu không tranh chấp, khiếu kiện, cơ quan đăng ký xe ra quyết định xử phạt về hành vi không làm thủ tục thu hồi và tiến hành đăng ký sang tên.

Trưởng Phòng hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an) cho biết thêm, từ 15/8/2023, khi bán xe, chủ xe phải giữ lại đăng ký, biển số, không được giao cho chủ mới của xe. Chủ cũ phải nộp lại đăng ký, biển số cho công an để làm thủ tục thu hồi. Biển số này sẽ được cấp lại khi chủ xe đăng ký xe khác thuộc sở hữu của mình.

Biển số được lưu giữ lại cho chủ xe trong 5 năm, kể từ ngày thu hồi đăng ký, biển số. Quá thời hạn trên sẽ thu hồi biển đó để đưa vào kho số thực hiện đăng ký cho xe khác. Hiện không giới hạn số lượng biển số định danh của người dân. Một người có thể sở hữu cùng lúc nhiều biển số ô tô, xe máy. Mỗi biển sẽ gắn với một xe và định danh về một người chủ.

Liên quan đến vấn đề xe không chính chủ, nhiều người thắc mắc việc đi xe không chính chủ thì cần mang giấy tờ gì, chồng đi xe của vợ, vợ đi xe của chồng, con đi xe của cha mẹ, bạn bè mượn xe đi… thì có bị phạt không?

Đối với nội dung này, theo Thanh Niên, Phòng CSGT (PC08, Công an Tp.HCM) từng có bài viết tuyên truyền để người dân nắm rõ các quy định của pháp luật.

Theo đó, công an chỉ xử phạt lỗi không sang tên xe theo quy định trong trường hợp: thông qua điều tra, giải quyết tai nạn giao thông và qua công tác đăng ký xe. Do vậy, trường hợp đi xe không đứng tên mình trên giấy đăng ký, có thể là chồng đi xe của vợ, vợ đi xe của chồng, con đi xe cha mẹ, đi xe của bạn bè, đi xe người quen… đều không liên quan đến lỗi không sang tên xe theo quy định.

Khi người dân chạy xe đứng tên người khác tham gia giao thông mà bị CSGT yêu cầu dừng xe xuất trình giấy tờ, thì chỉ cần xuất trình các loại giấy tờ sau:

-Giấy đăng ký xe.

-Giấy phép lái xe.

-Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

-Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (ô tô).

Minh Hoa (t/h)

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/muon-xe-cua-nguoi-khac-can-mang-theo-giay-to-gi-de-khong-bi-phat-a601166.html