Nàng dâu nhập viện tâm thần vì suốt ngày phải nghe mẹ chồng nói một câu, khi vào giường ngủ vẫn không yên

Với nhiều phụ nữ đang điều trị tâm thần, ngoài vấn đề bệnh lý thì phía sau họ luôn có những câu chuyện buồn không phải ai cũng hiểu.

Theo số liệu của Bộ Y tế, hiện số người bị rối loạn tâm thần ngày càng gia tăng, với tỉ lệ chiếm khoảng 14,9% dân số (gần 15 triệu người). Trong đó, các vấn đề liên quan đến trầm cảm, lo âu chiếm tới 5-6% dân số, cao nhất trong các rối loạn tâm thần.

PGS.TS.BS Tô Thanh Phương - nguyên Phó giám đốc BV Tâm thần Trung ương I cho biết, trong số các rối loạn tâm thần, mọi người cần cảnh giác với trầm cảm bởi những biểu hiện ban đầu của tình trạng này thường rất mơ hồ, khó nhận biết, tới khi phát hiện ra có thể đã tới giai đoạn muộn, để lại hậu quả nặng nề.

Theo bác sĩ Thanh Phương, tỉ lệ trầm cảm ở nữ cao hơn nam. Ngoài vấn đề bệnh lý thì mỗi bệnh nhân lại có một hoàn cảnh, câu chuyện đáng thương. “Phụ nữ ngoài phải làm việc cơ quan (công ty) như nam giới, họ còn chịu nhiều áp lực từ gia đình, việc sinh đẻ nên nguy cơ bị trầm cảm cao hơn”, ông Phương cho hay.

Rất nhiều phụ nữ chịu áp lực trong cuộc sống gia đình nhưng đành cam chịu. Ảnh minh họa. 

Đặc biệt, những áp lực trong cuộc sống gia đình thường rất khó nhận biết bởi không ít người còn nặng về tư tưởng phụ nữ phải tam tòng (ở nhà phải theo cha, đi lấy chồng phải theo chồng, chồng chết phải theo con), tứ đức (công, dung, ngôn, hạnh), phải biết hi sinh, cam chịu. Chính vì thế, họ không dám kêu ca khi bị những áp lực đè nặng, thậm chí dù nhập viện tâm thần nhưng người nhà vẫn cho là “diễn trò”.

Bác sĩ Tô Thanh Phương kể về một bệnh nhân tên Hoa, quê Hưng Yên, nhập viện tâm thần trong tình trạng hoảng loạn, phải cưỡng chế vào viện. Khi khai thác tiền sử, các bác sĩ đều cảm thông cho hoàn cảnh người phụ nữ này.

Vợ chồng chị Hoa rất yêu thương nhau, chồng chị làm ra tiền, không bao giờ mắng chửi vợ nhưng lại nhu nhược không biết bảo vệ bạn đời trước gia đình nhà chồng hà khắc. Suốt gần 20 năm, dù chị Hoa làm việc quần quật, chăm lo cho gia đình nhưng luôn bị gắn mác “ăn bám chồng”.

Không chỉ vậy, bệnh nhân còn bị khinh rẻ là “không biết đẻ” vì không sinh được cháu trai đích tôn cho dòng họ. Ngay cả chuyện tế nhị của hai vợ chồng chị cũng bị can thiệp. “Không biết đẻ thì ngủ với nhau làm gì. Nếu chỉ biết ăn bám chồng thì tốt nhất đừng sống với nhau nữa”... là những câu nói mà chị Hoa thường xuyên phải nghe trong suốt nhiều năm.

TS Tô Thanh Phương cho biết mỗi người cần biết cân bằng công việc, cuộc sống để tránh gặp những rối loạn tâm thần. Ảnh: Lê Phương. 

Đỉnh điểm là khi nữ bệnh nhân tự tìm việc làm, kiếm tiền lo cho bản thân để thoát cái mác “ăn bám chồng” thì bị gia đình chồng chì chiết nói “đi theo trai”. Sau đó họ còn “bắt cóc” chị về, nhốt tại nhà. Điều này khiến chị Hoa xuất hiện các biểu hiện bất thường, mất ngủ, hoảng loạn, xuất hiện cả cơn hoang tưởng… nên được đưa vào viện tâm thần điều trị

Bác sĩ Thanh Phương cho biết, khi tiếp nhận, bệnh nhân gào khóc, có dấu hiệu sang chấn tâm lý, không tin tưởng bất kể ai. Thời gian đầu, bệnh nhân khóc nhiều, mất ngủ, sợ những người thân bên nhà chồng và cả chồng. Sau 2 tháng điều trị, nữ bệnh nhân mới dần ổn định, trạng thái được cân bằng và xuất viện.

Qua trường hợp trên, bác sĩ Tô Thanh Phương khuyến cáo, bệnh tâm thần nói chung và trầm cảm nói riêng không chừa một ai. Vì thế, mỗi người phải biết cân bằng công việc, cuộc sống và sinh hoạt để phòng bệnh. Đặc biệt, khi có các biểu hiện như buồn chán không có lý do, cảm thấy bản thân vô dụng, mệt mỏi mất ngủ, thích ở một mình, mất hứng thú với công việc, có suy nghĩ tiêu cực nghĩ đến tự sát… thì cần đi khám càng sớm, càng tốt.

* Tên bệnh nhân đã được thay đổi

LÊ PHƯƠNG.

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nang-dau-nhap-vien-tam-than-vi-suot-ngay-phai-nghe-me-chong-noi-mot-cau-khi-vao-giuong-ngu-van-khong-yen-a601304.html