Xe máy hiện đang là loại phương tiện đi lại phổ biến của học sinh. Tuy nhiên Luật An toàn giao thông đường bộ cũng quy định rõ, cấm đi xe máy khi chưa đủ tuổi. Dù vậy, nhiều học sinh chống chế bằng cách gửi xe ở ngoài cổng trường, lựa chọn xe máy trên 50cc...
Sáng 20/10, Đội CSGT số 10 (Công an Tp.Hà Nội) tổ chức ra quân xử lý nghiêm các vi phạm còn tồn tại.
Theo quy định hiện nay, người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm3; người đủ 18 tuổi trở lên được điều khiển mô tô, xe máy có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên. Cụ thể, đối với loại xe này, người điều khiển phương tiện phải có Giấy phép lái xe hạng A1. Ðiều này đồng nghĩa với việc đa phần học sinh đang học ở cấp THPT chưa đủ tuổi theo quy định để được cấp Giấy phép lái xe trên 50cm3.
Mặc dù vậy, thời gian qua, việc học sinh điều khiển xe phân khối lớn vẫn diễn ra khá phổ biến ở các trường THPT trên địa bàn. Trong khi vào đầu năm học, quy định này đã được nhà trường thông báo, yêu cầu học sinh và phụ huynh ký cam kết thực hiện nghiêm. Tuy nhiên, theo lý giải của một số phụ huynh, do nhà chỉ có một chiếc xe làm phương tiện đi lại chung, hoặc cha mẹ bận đi làm không thể đưa rước nên đành phải giao xe cho con em tự điều khiển đi học.
Còn về phía nhà trường, hầu hết đều bày tỏ quan điểm đặc biệt quan tâm, xem trọng công tác đảm bảo ATGT cho học sinh và không chấp nhận chuyện học sinh vi phạm Luật Giao thông nói chung, bao gồm điều khiển xe máy phân khối lớn khi chưa đáp ứng đủ các yêu cầu pháp luật đặt ra. Nhưng việc quản lý, xử lý học sinh vi phạm chỉ có thể tiến hành trong khuôn viên của trường, vì một số trường hợp vi phạm trên đường, chỉ khi lực lượng chức năng gửi thông báo thì nhà trường mới được biết.
Trong khi đó, một số học sinh cá biệt có xu hướng thích thể hiện bản thân bằng những hành vi tiềm ẩn nguy cơ cao mất ATGT như không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, chạy quá tốc độ quy định, thậm chí tụ tập dàn hàng trên đường.
Trao đổi với PV, Thiếu tá Quách Anh Tuấn, cán bộ Đội CSGT số 10 cho biết, Từ những hành vi vi phạm này, sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến các vụ tai nạn giao thông, gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông và cho chính bản thân các em. Ngoài ra, ở một số tuyến đường xung quanh các khu vực trường học, cũng ghi nhận tình trạng phụ huynh đưa, đón con đến trường nhưng lại vi phạm các quy định của pháp luật về TTATGT. Do đó, bên cạnh việc xử lý nghiêm các vi phạm, cán bộ chiến sĩ của Đội CSGT số 10 thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền Luật ATGT.
Ghi nhận cùng tổ công tác, chỉ 1 tiếng đồng hồ trực chốt tại QL21B khu vực gần cổng trường THPT Trần Hưng Đạo, cán bộ, chiến sĩ yêu cầu dừng xe và xử lý hàng loạt trường hợp là các em học sinh vi phạm an toàn giao thông.
Phần lớn lý do các em đưa ra là "vội đến trường cho kịp giờ học", "không phải quên mà bị lấy mất mũ bảo hiểm", "chỉ đi đoạn ngắn nên nghĩ không cần đội", "xe 50cc thì không cần đội mũ"....
Nhiều em học sinh bất chấp nguy hiểm, quay đầu bỏ chạy khi thấy tổ công tác làm nhiệm vụ.
Trong quá trình xử lý, lực lượng CSGT sẽ đảm bảo không gây ảnh hưởng giờ đến trường của các em cũng như không dừng phương tiện để xử phạt ngay trước cổng trường, tránh gây ảnh hưởng đến tình hình TTATGT.
Đồng thời, khi tiến hành kiểm tra, xử lý, CSGT sẽ ghi nhận đầy đủ những thông tin về người vi phạm như: họ tên, năm sinh, tên trường học, địa bàn trường học trú đóng... để phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Giám hiệu các trường học trong việc quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên.
PV
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/xu-ly-nhieu-hoc-sinh-kep-ba-khong-doi-mu-bao-hiem-den-truong-a601475.html