Chồng đi công tác dẫn về 1 đứa trẻ nhận làm con nuôi, câu nói của đứa bé khiến tôi suy sụp

Nhân lúc chồng không ở nhà, tôi đã "khai thác" đứa trẻ.

Vợ chồng tôi lấy nhau cũng đã ngót nghét 7 năm nhưng vẫn chưa sinh được bé nào. Trong khi tôi chật vật tìm đủ mọi thứ thuốc để uống hay hỏi hết bác sĩ giỏi chỗ này, bác sĩ mát tay chỗ kia cách để dễ có con thì chồng tôi lại không mấy mặn mà việc này. Anh luôn nói:

- Chuyện con cái tùy thuộc vào ý trời, có duyên con sẽ đến nên mình không cần phải sốt ruột. Cùng lắm chúng ta sẽ nhận một đứa trẻ làm con nuôi, dành tình yêu thương cho nó và đó sẽ là tài sản quý giá nhất của cuộc đời mình.

Nghe anh nói vậy tôi cũng vừa cảm thấy đỡ áp lực nhưng cũng không muốn vui vì dù sao vẫn muốn tự mình mang bầu và sinh con, nuôi nấng chính đứa con ruột của mình. Chuyện bắt đầu trở nên căng thẳng hơn kể từ mấy tháng trước, khi chồng tôi trong một chuyến công tác kết hợp từ thiện ở trên miền núi, khi trở về anh bỗng dắt thêm 1 đứa trẻ trai 5 tuổi về cùng.

- Anh xin lỗi vì đã không hỏi ý kiến của em trước nhưng tình huống đã khiến anh không thể nào chối từ.

Ảnh minh họa

Hóa ra đứa trẻ là con của một cặp vợ chồng người miền núi nơi anh đi công tác đã vài lần. Mẹ đứa trẻ thì đã mất khi sinh nó ra còn bố cũng vừa mới qua đời vì ung thư. Quá thương cho hoàn cảnh đứa trẻ và như cảm nhận được sợi dây liên kết, anh quyết định xin chính quyền nơi đó nhận thằng bé làm con nuôi. Tạm thời anh dẫn bé về nhà sinh sống rồi hoàn tất thủ tục sau.

Với tôi, dù sao cả hai cũng đã có ý định nhận con nuôi rồi nên khi anh dưa đứa trẻ về, tôi cũng không hề phản đối nữa. Thế nhưng điều khiến tôi lăn tăn hơn là làm sao tôi biết được chính xác đứa trẻ là con của người ta, được anh nhận về làm con nuôi hay anh đã phản bội tôi từ lúc nào. Đứa trẻ là con ruột của anh và giờ được anh đưa về nuôi dưỡng dưới "cái mác" như vậy. Đứa trẻ 5 tuổi cũng đã biết nói, thế nhưng nó luôn bướng bỉnh trước sự làm quen của tôi, thậm chí thời gian đầu tôi hỏi nó điều gì nó cũng không trả lời, chỉ trò chuyện với chồng tôi. Điều đó khiến tôi bực tức đã nhiều lần la mắng.

Anh nói tôi hãy cứ kiên nhẫn vì dù sao đứa trẻ cũng vừa mới trải qua cú sốc mất cha, giờ lại đến một môi trường mới để sinh sống với những con người mới nên có phần thu mình, lạ lẫm. Nghe anh nói vậy nên tôi cũng không quá vội vàng nữa. Thế nhưng đáp trả lại mọi sự cố gắng của tôi là sự lạnh nhạt, thời ơ của thằng bé. Nó thực sự không muốn kết nối với tôi, hay cãi lại tôi. điều đó càng làm tôi cảm thấy có điều gì mờ ám trong mối quan hệ của chồng tôi và nó. Phải chăng nó ghét tôi là bởi vì một lý do nào khác. Chính vì thế, trong một lần chồng tôi không ở nhà, tôi quyết làm rõ mọi chuyện thông qua cuộc trò chuyện với đứa trẻ này.

Ảnh minh họa

Khi nó còn đang ở trong phòng và làm bài tập, tôi mở cửa bước vào cố tình "gây sự":

- Con cần dọn dẹp phòng ngủ của con gọn gàng hơn nhé, mẹ thấy có vẻ nó rất bừa bộn đấy.

Nó không trả lời gì cả khiến tôi bực mình:

- Sao con không trả lời mẹ, khi người lớn nói thì con phải trả lời nhé.

Nó vẫn tiếp tục câm lặng khiến tôi phải gào lên:

- Sao con bướng bỉnh thế, mẹ nói và con không trả lời và con cũng không thực hiện bất kì công việc nào mẹ bảo thế? con có muốn mẹ cho con mấy roi không?

- Tại sao con phải làm theo lời mẹ, mẹ có phải là mẹ đẻ của con đâu? - nó trả lời.

Nghe câu nói của nó tôi có chút đau lòng, suy sụp vì hiểu đúng cảm giác giữa một đứa con nuôi và một người mẹ nuôi vì nếu bản thân mình sinh ra nó, chắc chắn nó sẽ không dám nói câu này.

- Mẹ không đẻ ra con nhưng mẹ sẽ là người nuôi nấng con, mẹ đã nhận nuôi con thì mẹ phải có trách nhiệm. Vậy tại sao bố nói thì con nghe, bố là bố đẻ ra con sao?

Đứa trẻ lí nhí:

- Không ạ!

Tôi tiếp tục khai thác:

- Vậy ngày xưa con ở nhà với bố mẹ con, bố mẹ con nói con cũng không nghe lời như vậy đúng không? Con thật là một đứa trẻ bướng bỉnh đó.

Trong lúc hai mẹ con đang nói chuyện thì chồng tôi bỗng trở về nhà, anh làm xua tan không khí căng thẳng và ngồi lại nói chuyện với tôi.

- Anh biết rằng em cảm thấy không thoải mái vì đứa trẻ này. Nó vốn dĩ rất bướng bỉnh và ngày càng trở nên không nghe lời kể từ khi bố nó mất. Chính vì thế để thay đổi nó chúng ta cần nhẹ nhàng hơn là quát mắng, anh nghĩ chúng ta phải có kế hoạch rõ ràng để dạy dỗ con, em đừng nóng vội cũng đừng dùng đòn roi như thế.

Anh biết đứa trẻ này trong nhiều lần đi công tác trước đó rồi nên anh mong muốn sẽ giúp nó không chỉ nhận được yêu thương của một gia đình hạnh phúc mà còn thay tính đổi nết, không còn là một đứa trẻ không biết nhận sai, không biết vâng lời nữa.

Ảnh minh họa

Qua buổi trò chuyện hôm đó tôi đã chắc chắn được việc nó thực sự không phải là con ruột của chồng mình mà chỉ là do tính cách bướng bỉnh của nó khiến nó luôn không nghe lời  bất kì một ai, không chịu hợp tác trong bất kì công việc gì.

Có lẽ tôi cần phải đọc thêm nhiều sách về nuôi và dạy trẻ, tìm ra đúng phương pháp để "trị" một đứa trẻ bướng bỉnh.

Tâm sự từ độc giả tonhu...@gmail.com

Hầu hết đứa trẻ nào trong quá trình quá trình lớn lên cũng mắc lỗi, ngang bướng, đôi khi khiến bố mẹ cảm thấy bất lực vì áp dụng mọi biện pháp mà con vẫn không nghe lời.

Thực tế, la mắng, đánh đòn không phải là phương pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề này. Các chuyên gia khuyên rằng, đối với những trẻ ngang bướng, hay phạm lỗi, bố mẹ nên có phương pháp giáo dục đặc biệt hơn, có thể tham khảo những cách sau đây.

Yêu cầu trẻ ngừng hành vi phạm lỗi

Theo tiến sĩ Pete Stavinoha, giám đốc của dịch vụ tâm lý thần kinh ở Trung tâm y tế trẻ em tại Dallas, bang Texas, Mỹ, đồng tác giả cuốn “Stress-Free Discipline” từng nói “Việc đánh đòn chỉ có thể ngăn chặn hành vi xấu tạm thời chứ không phải phương pháp dạy con hiệu quả”.

Kỷ luật tích cực là khi trẻ làm điều gì đó sai, thay vì trách phạt, bố mẹ hãy dạy dỗ và hướng dẫn con làm thế nào để ngừng hành vi phạm lỗi và biết nhận sai.

Khi trẻ phạm lỗi, việc đầu tiên bố mẹ nên yêu cầu trẻ dừng hành vi và rời khỏi "hiện trường" cho đến khi trẻ có thể bình ổn cảm xúc, không còn nóng giận hay tiếp tục hành vi sai trái.

Sau khi rời khỏi "hiện trường", trẻ sẽ có khoảng thời gian yên lặng tự suy nghĩ về mọi việc diễn ra. Lúc này, bố mẹ nên trò chuyện với con, để trẻ nhận ra bản thân đã làm điều chưa phù hợp, giúp trẻ về sau biết điều chỉnh hành vi một cách phù hợp. 

Hạn chế la mắng bắt lỗi, hay tạo không khí căng thẳng

Trẻ cứng đầu, bướng bỉnh rất dễ khiến bố mẹ nổi nóng, bực bội, la hét lấn át đi sự không nghe lời của con. Nhưng việc này chỉ khiến tình hình trở nên xấu đi, trẻ tỏ ra chống đối hơn nữa.

Thay vì vội vàng trách móc, bố mẹ hãy để cho trẻ có khoảng lặng để tự nhìn nhận lỗi lầm. Chẳng hạn nếu trẻ làm vỡ đồ, trẻ phải hiểu nguyên nhân là do bản thân bất cẩn, không quan sát kỹ lưỡng.

Hay trẻ bị điểm kém thì nguyên nhân là chểnh mảng học tập, chưa thật sự quyết tâm. Tuy nhiên, đôi khi có những lúc trẻ không hiểu mình đang sai ở đâu, lúc này bố mẹ cần chỉ ra lỗi mà trẻ mắc phải để lần sau không tái phạm.

Đồng thời, ngay cả bố mẹ cũng nên học cách bình tĩnh, biết kiềm chế cảm xúc để giải thích rõ ràng cho trẻ hiểu. Để làm được điều này, trước mỗi cuộc trò chuyện, bố mẹ hãy làm bất cứ điều gì khiến mình bình tĩnh và cân bằng với con: Hít thở sâu, nghe nhạc êm dịu hay làm những việc cả hai cùng thích. 

Cho trẻ cơ hội được lựa chọn

Mỗi trẻ sẽ có hàng tá các nhu cầu, cảm xúc, trải nghiệm khác nhau cho cùng một bài học. Trẻ thường sẽ trải qua mọi khoảnh khắc từ vui vẻ, đáng yêu cho đến khó chịu, lộn xộn, mâu thuẫn... thực hành sự tự lựa chọn.

Nếu bố mẹ tôn trọng, cho trẻ quyền lựa chọn từ những việc nhỏ nhất có thể giúp trẻ hình thành thói quen, tính cách tốt thay vì áp đặt hình thức giáo dục quá nghiêm khắc.

Khi trẻ phạm lỗi cũng vậy, bố mẹ có thể cho trẻ lựa chọn hình phạt đứng im trong góc phòng khoảng 15 phút hoặc yêu cầu trẻ thực hiện một việc nào đó đang cấp thiết như: Dọn dẹp nhà, dọn vườn, nấu cơm…

Để trẻ tự quyết định hình phạt là cách để trẻ tuân thủ và hoàn thiện tốt nhất. Nếu bố mẹ cứ áp đặt hình phạt thì trẻ sẽ trở nên chống đối hoặc cảm thấy ấm ức, không phục.

Món quà sau sự lựa chọn đó là bài học của sự kiên nhẫn, cho một đứa trẻ tự lựa chọn trẻ cũng sẽ tiến bộ về khả năng độc lập, đồng thời có thói quen hướng dẫn, giúp đỡ cho các trẻ nhỏ hơn bài học tương tự để không phải phạm lỗi hay quá ương bướng với bố mẹ.

Đặt ra giới hạn cho con

Trẻ càng lớn thì càng có xu hướng làm ngược lại với những gì bạn mong muốn, bất chấp hậu quả. Vì vậy, việc bố mẹ đặt giới hạn rõ ràng cho con là cực kỳ quan trọng.

Theo các chuyên gia tâm lý, chìa khóa để có một ngôi nhà hạnh phúc là thiết lập các giới hạn rõ ràng và nhất quán, giới hạn dạy cho trẻ biết khác biệt giữa đúng và sai, điều gì nên và không nên làm.

Tuy nhiên, bố mẹ nên bắt đầu mỗi ngày với tình yêu thương, hạn chế thúc ép hay áp đặt trẻ. Và cần áp dụng phương pháp giáo dục sớm, điều này giúp trẻ tạo dựng thành thói quen tốt.

Bố mẹ cũng cần tìm hiểu tính cách con để có phương pháp giáo dục phù hợp, xem trẻ là người bạn đồng hành để sẻ chia và thấu hiểu, lâu dần trẻ sẽ học được giá trị của bài học ngoan ngoãn, không còn tỏ ra chống đối, ngang bướng khi mắc lỗi.

CHI CHI

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/chong-di-cong-tac-dan-ve-1-dua-tre-nhan-lam-con-nuoi-cau-noi-cua-dua-be-khien-toi-suy-sup-a601773.html