Vì sao Nam Định không cho học sinh THCS tự đi xe máy điện đến trường?

Bắt đầu từ tháng 11 tỉnh Nam Định nghiêm cấm học sinh từ THCS trở xuống điều khiển xe máy điện đến trường.

Siết chặt công tác quản lý học sinh THCS (độ tuổi 12 - 15) đi xe máy điện tới trường

Chiều 1/11, ông Đỗ Anh Tuấn, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Nam Định xác nhận, việc Phòng GD&ĐT TP đã chỉ đạo siết chặt công tác quản lý học sinh THCS (độ tuổi 12 - 15) đi xe máy điện tới trường.

Cụ thể, yêu cầu trên được đưa ra trong bối cảnh, địa phương đang yêu cầu kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu các trường THCS khi để học sinh chưa đủ điều kiện điều khiển mô tô, xe máy, xe điện tới trường.

Theo báo VTC News, công văn của Phòng GD&ĐT Tp.Nam Định yêu cầu các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học và THCS tăng cường phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông, đảm bảo an toàn cho học sinh.

Các trường THCS trên địa bàn tổ chức cho học sinh ký cam kết không điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe theo quy định của pháp luật và "không điều khiển xe máy điện đến trường".

"Nếu học sinh nào cố tình đi thì nhà trường yêu cầu phụ huynh học sinh đến cam kết việc thực hiện quy định pháp luật về an toàn giao thông", công văn nêu rõ.

Phòng cũng yêu cầu, với những học sinh đi xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng, có tem kiểm định chất lượng theo quy định và không đội mũ bảo hiểm thời trang khi tham gia giao thông.

Đáng chú ý trong công văn này, Phòng GD&ĐT Tp.Nam Định sẽ kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu đối với hiệu trưởng các trường THCS trên địa bàn TP trong việc thực hiện trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục, quản lý học sinh chấp hành pháp luật về an toàn giao thông. Đặc biệt với các vi phạm của học sinh chưa đủ điều kiện điều khiển mô tô, xe máy, xe máy điện tới trường.

Giáo dục - Vì sao Nam Định không cho học sinh THCS tự đi xe máy điện đến trường?

Đoàn công tác kiểm tra thực tế tại nhà xe trường THCS Hoàng Văn Thụ, Nam Định. Ảnh: VTC News.

Từ khai giảng năm học mới 2023-2024 tuyên truyền, vận động 

Trao đổi với Giao Thông, ông Nguyễn Thế Lâm, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Tp.Nam Định, tỉnh Nam Định cho biết, xe máy điện là tài sản có giá trị các phụ huynh đã mua cho con em của mình. Do đó, trước khi thực hiện một quy định mới, nghiêm cấm học sinh điều khiển xe máy điện đến trường, nhà trường cần tuyên truyền để phụ huynh, học sinh hiểu và có sự chuẩn bị, tránh sự hiểu lầm dẫn đến bức xúc.

Cũng theo ông Lâm, từ khai giảng năm học mới 2023-2024, Phòng đã triển khai tuyên truyền, vận động để hạn chế tình trạng học sinh đi xe máy, xe máy điện đến trường. Đến nay, tình trạng học sinh đi xe máy, xe máy điện đến trường đã giảm. Hạn cuối cùng đến hết ngày 31/10, tình trạng học sinh sử dụng phương tiện sai quy định khi đến trường phải chấm dứt.

"Hôm qua, Ban An toàn giao thông tỉnh Nam Định đi kiểm tra tại một số trường, xác định vẫn còn tình trạng học sinh đi xe không đúng quy định. Do đó, Phòng GD&ĐT Tp.Nam Định đã có văn bản gửi đến các trường đề nghị liên hệ phụ huynh sau đó tuyên truyền, vận động. Từ ngày hôm nay, nếu học sinh nào vẫn đi phương tiện sai quy định đến trường, nhà trường vẫn cho vào học nhưng giữ xe và yêu cầu phụ huynh đến để trao đổi và nhận lại phương tiện", ông Lâm nói.

Trúc Chi (t/h)

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/vi-sao-nam-dinh-khong-cho-hoc-sinh-thcs-tu-di-xe-may-dien-den-truong-a602099.html