Khó khăn, vướng mắc trập trùng
Ngày 12/11, ông Phạm Việt Hà, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi, đã có báo cáo gửi Bộ Xây dựng về đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ Nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.
Theo đó, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh không có công trình nhà ở xã hội nào hoàn thành, nghiệm thu, đưa vào sử dụng.
Đồng thời, theo ông Hà, trong việc quản lý, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn có rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
Ngày 20/6, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2023/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.
Theo đó, Nghị định không còn nội dung Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (không sử dụng nguồn vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công..) được dành 20% tổng diện tích đất ở đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (bao gồm cả dự án sử dụng quỹ đất 20%) để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại nhằm bù đắp chi phí đầu tư, góp phần giảm giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội và giảm kinh phí dịch vụ quản lý, vận hành nhà ở xã hội sau khi đầu tư.
Điều này trước đó đã được quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội và được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ.
Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến quyền lợi cũng như kế hạch đầu tư của các chủ dự án Nhà ở xã hội.
Đối với Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp của tỉnh đa phần các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa. Do đó, các doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm đến việc đầu tư xây dựng nhà ở để phục vụ nhu cầu của công nhân.
Đồng thời, việc điều tra nhu cầu nhà ở công nhân chưa được các doanh nghiệp quan tâm, phối hợp, nên đã gây rất nhiều khó khăn cho Ban Quản lý Khu kinh tế trong công tác khảo sát, đánh giá nhu cầu thực sự của người lao động về nhà ở, để có cơ sở điều chỉnh bổ sung quy hoạch, kế hoạch xây dựng nhà ở cho phù hợp với thực tế.
Quy định về quy trình, thủ tục đầu tư,... đối với dự án nhà ở xã hội giữa pháp luật về đầu tư và pháp luật nhà ở chưa có sự đồng nhất, dẫn đến lúng túng trong quá trình thực hiện.
Về mặt pháp lý, tồn tại nghịch lý là nhà ở xã hội nhưng thực hiện chính sách pháp lý tương tự như nhà ở thương mại.
Điều này khiến tiến độ thực hiện các dự án kéo dài, thủ tục pháp lý phức tạp hơn, không thu hút các nhà đầu tư, và nhất là nguồn vốn vay hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện những dự án nhà ở xã hội này chưa triển khai được.
Việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội không mang đến lợi nhuận như các hình thức đầu tư nhà ở thương mại, đất nền thương mại.
Chính sách ưu đãi về nhà ở xã hội hiện nay chủ yếu tập trung vào việc giảm giá thành nên đối tượng thụ hưởng chính là người mua, thuê, thuê mua.
Vì vậy, theo quy luật kinh doanh, việc thu hút các nhà đầu tư tự nguyện bỏ vốn đầu tư nhà ở xã hội là rất khó khăn.
Cần đơn giản hóa thủ tục để thu hút nhà đầu tư
Ông Vỹ cũng kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu, tham mưu Chính phủ 3 vấn đề. Thứ nhất, Ban hành quy định riêng về quy trình, thủ tục đầu tư,... đối với dự án nhà ở xã hội theo hướng rút gọn, đơn giản hóa thủ tục, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút đầu tư và triển khai thực hiện dự án.
Thứ hai, nghiên cứu cơ chế, ban hành chính sách riêng về việc đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp theo hướng ưu tiên, bố trí quỹ đất và các thiết chế ở khu công nghiệp, coi nhà ở công nhân là hạ tầng thiết yếu tại khu công nghiệp. Chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp phải có trách nhiệm đầu tư nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp.
Sau cùng, nghiên cứu cơ chế, ban hành chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được dành một phần quỹ đất trong phạm vi dự án nhà ở xã hội để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại nhằm bù đắp chi phí đầu tư, góp phần giảm giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
PV
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/quang-ngai-nhung-giai-phap-go-vuong-de-phat-trien-nha-o-xa-hoi-a602572.html