Báo động tình trạng học sinh sử dụng thuốc lá điện tử
Theo kết quả điều tra của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại 34 tỉnh của Việt Nam năm 2020, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành đã tăng tới 18 lần - từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, tập trung cao ở nhóm tuổi 15 - 24 với tỷ lệ là 7,3% so với các nhóm tuổi khác. 52% người trong độ tuổi 15-24 từng nghe tới thuốc lá điện tử; 7,3% người trong độ tuổi 15-24 hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử...
Năm 2022, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi từ 13-15 sử dụng thuốc lá điện tử ở Việt Nam là 3,5%, tăng rất đáng kể so với năm 2019. Trong đó, học sinh nam là 4,3%, học sinh nữ là 2,8%. Mạng internet là nơi có tỷ lệ học sinh mua thuốc lá điện tử nhiều nhất (22,1%) và kênh quảng cáo thuốc lá điện tử nhiều nhất là mạng xã hội.
TS Lê Thị Thu Hà, Trưởng phòng Sử dụng chất và Y học hành vi, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) khẳng định: Nhiều bạn trẻ cho rằng thuốc lá điện tử là vô hại, không gây nghiện và không ảnh hưởng đến sức khỏe như thuốc lá điếu truyền thống. Tuy nhiên, thực tế và khoa học lại chứng minh điều ngược lại. Thậm chí, thuốc lá điện tử còn bị các đối tượng trộn ma túy và nhiều chất cấm khác, gây ngộ độc cho nhiều người sử dụng. Một tác hại khác của thuốc lá điện tử là khuyến khích trẻ em bắt đầu sử dụng từ sớm, dẫn đến một thế hệ lớn những người trẻ tuổi nghiện nicotine và gặp phải những hệ lụy tiềm tàng trong tương lai do dùng thuốc lá điện tử lâu dài.
Thực tế, theo thống kê sơ bộ tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), từ năm 2020 đến nay, chỉ riêng Trung tâm đã tiếp nhận khoảng 100 ca ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử. Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cũng ghi nhận không ít trường hợp thanh thiếu niên phải nhập viện vì rối loạn tâm thần do sản phẩm độc hại này. Trong khi đó, trên phạm vi cả nước, rất nhiều bệnh viện cũng ghi nhận các bệnh nhân trẻ tuổi phải nhập viện do thuốc lá điện tử.
Theo BS Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, đối với thanh thiếu niên, não bộ đang trong quá trình phát triển, lúc này, não đang rất cần môi trường hết sức trong lành để trưởng thành. Nếu trong thời điểm này lại bị ảnh hưởng bởi khói thuốc lá, bị ảnh hưởng bởi những cất độc hại có trong khói thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử nói riêng, chắc chắn sự phát triển của não sẽ không được bình thường như những trường hợp không hút thuốc. Quá trình tiếp thu kiến thức, quá trình trưởng thành của não bộ đều sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Không dừng lại tại đó, theo chuyên gia, thuốc lá điện tử khi vào cơ thể sẽ gây ra vô số những ảnh hưởng đến sức khỏe bởi hầu hết các chất đều có trong thuốc lá điện tử gây hại cho sức khỏe. Ví như nicotine có khả năng gây phụ thuộc về mặt tâm thần; glycerine có thể gây viêm phổi; chất tạo hương vị; chất dẫn khác nhau tùy theo từng hãng, nhãn hiệu chủ yếu bao gồm nitrosamine, formaldehyde, acetaldehyde là các chất có khả năng gây ung thư. Ngoài ra, có nhiều chất khác chưa được kiểm duyệt thường được bổ sung sai cách vào buồng đệm chứa dịch, là nguyên nhân chính dẫn đến việc gây độc hoặc lạm dụng phối hợp các chất ma túy khác.
Trời lạnh, đề phòng nguy cơ đột quỵ tim
Thời tiết miền Bắc đang trở lạnh và bước vào mùa đông. Thời điểm này cũng là lúc tình trạng đột quỵ tim có nguy cơ gia tăng, đặc biệt ở người cao tuổi. PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh - Giám đốc Trung tâm Tim mạch thông tin (Bệnh viện đa khoa Tâm Anh) cho biết, nhồi máu cơ tim cấp còn có tên gọi khác là đột quỵ tim, là tình trạng cơ tim bị thiếu máu nuôi và hoại tử do mạch vành bị tắc nghẽn đột ngột bởi cục huyết khối trong lòng mạch. Đột quỵ tim có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào cũng như vào mọi thời điểm trong năm. Tuy nhiên, mùa lạnh là lúc nguy cơ đột quỵ tim cao hơn cả, đặc biệt ở những người có sẵn yếu tố nguy cơ như suy tim, từng phẫu thuật hay can thiệp tim mạch, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá nhiều năm…
“Khi thời tiết lạnh, các mạch máu co lại khiến áp lực trong lòng mạch máu tăng lên dẫn đến tăng huyết áp đồng thời thay đổi tình trạng đông máu khiến dễ hình thành cục máu đông hơn gây ra đột quỵ tim. Ngoài ra, việc thiếu hoạt động thể chất do ngại ra ngoài trong tiết trời lạnh cũng góp phần làm tăng nguy cơ này”, PGS.TS Phạm Nguyễn Vinh nói.
Để phòng ngừa đột quỵ tim hoặc tái phát bệnh trong mùa lạnh, BS Vinh khuyến cáo, bên cạnh việc dùng thuốc đúng chỉ dẫn và tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ, người bệnh cần duy trì lối sống lành mạnh, tăng cường rau xanh và trái cây, kiêng rượu, bia, thuốc lá… Vào mùa đông, người cao tuổi, người có bệnh nền tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi mạn tính lưu ý giữ ấm cơ thể để tránh nhiễm lạnh, hoạt động thể chất đều đặn, đúng cách để giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp.
Khi có một số dấu hiệu nhồi máu cơ tim cấp, như đau thắt ngực với biểu hiện đè nặng, đau tức, bóp nghẹn ở sau xương ức, cần nhanh chóng đến bệnh viện để thăm khám và điều trị kịp thời.
“Hút thuốc lá, uống rượu bia mỗi ngày là nguyên nhân chính khiến đột quỵ mùa lạnh tăng cao. Trong đó, thuốc lá rất có hại cho sức khỏe của bản thân cũng như mọi người xung quanh. Nếu duy trì lối sống khỏe, bỏ thuốc lá từ 2 - 5 năm, nguy cơ đột quỵ ngang bằng với người chưa từng hút thuốc”, PGS Phạm Nguyễn Vinh nhấn mạnh.
Chuyên gia cũng khuyến cáo việc kiểm tra, theo dõi sức khỏe định kỳ là một trong các cách giúp ngăn ngừa đột quỵ mùa lạnh cũng như có biện pháp phòng ngừa với người có tiền sử đột quỵ. Từ đó, bác sĩ có thể đề ra kế hoạch điều trị tối ưu để kiểm soát tình trạng của bệnh hiệu quả, an toàn.
Bé trai 12 tuổi bị đạn găm vào đầu khi qua nhà bạn chơi
Sáng 15/11, thông tin từ Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, đơn vị đã mổ cấp cứu, gắp thành công viên đạn ra khỏi đầu bé trai 12 tuổi.
Theo bác sĩ Huỳnh Như Đồng - Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, khoảng 18h ngày 13/11, Bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân Đ.G.B. (12 tuổi, ngụ thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar, Đắk Lắk) trong tình trạng bị súng bắn đạn găm vào đầu.
Lúc này, bệnh nhân được chẩn đoán bị vết thương sọ não do hỏa khí, vỡ sọ thái dương 2 bên, tụ máu dưới màng cứng 2 bên, dập não, xuất huyết não.
Xét thấy bệnh nhân đang ở tình trạng nguy hiểm, đội ngũ các y, bác sĩ của bệnh viện đã mổ cấp cứu hơn 3 giờ đồng hồ và lấy ra một viên đạn với kích thước 4x4mm.
Bác sĩ Đồng chia sẻ: “Sau phẫu thuật, bệnh nhân hiện đã qua cơn nguy kịch, tri giác khá, bệnh nhân biết đau và đang được theo dõi sát. Tiên lượng bệnh nhân khá dần, đang được dùng kháng sinh liều cao để nhanh hồi phục. Với vết thương này có thể để lại di chứng”.
Còn theo lời mẹ của cháu B., chiều 13/11, con trai đi học về, qua nhà bạn chơi và tại đây xảy ra việc bị đạn bắn. Ngay khi nhận được tin báo, người nhà đã vội chạy về, đưa con đi cấp cứu. "Gia đình chưa rõ nguyên nhân, hiện tại đang lo cứu chữa cho cháu trước”, mẹ cháu B. nói.
Hiện, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên đang lưu giữ viên đạn tại Khoa gây mê hồi sức để phục vụ công tác điều tra của cơ quan chức năng.
T.M (tổng hợp)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/tin-tuc-doi-song-1511-troi-lanh-de-phong-nguy-co-dot-quy-tim-a602713.html