Theo Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021 quy định: Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ, cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ.
Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Theo đó, vào năm 2023 độ tuổi nghỉ hưu của người lao động nam sẽ là 60 tuổi 9 tháng, lao động nữ sẽ là 56 tuổi. Độ tuổi này áp dụng đối với người lao động trong điều kiện lao động bình thường.
Như vậy, với điều kiện lao động bình thường, theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP quy định về tuổi nghỉ hưu, lao động nam sinh tháng 2/1963 sẽ nghỉ hưu tháng 12; lao động nữ sinh tháng 11/1967 sẽ nghỉ hưu tháng 12.
Trong trường hợp người lao động nghỉ hưu sớm 5 năm, lao động nam sinh tháng 2/1968; lao động nữ sinh tháng 11/1972 sẽ nghỉ hưu tháng 12.
Khi nghỉ hưu, người thụ hưởng sẽ nhận về khoản tiền lương hưu đều đặn hằng tháng. Mức tiền lương nhận được phụ thuộc vào mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng và số năm đóng. Thời gian đóng càng dài, mức đóng càng cao thì mức hưởng lương hưu càng cao và ngược lại. Ngoài tiền lương, người thụ hưởng còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế, được chi trả phần lớn chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong suốt quá trình hưởng chế độ hưu trí.
Theo lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, năm 2024, lao động nam nghỉ hưu khi đủ 61 tuổi, lao động nữ nghỉ hưu khi đủ 56 tuổi 4 tháng. Tiếp đó, năm 2025, lao động nam nghỉ hưu khi đủ 61 tuổi 3 tháng và lao động nữ nghỉ hưu khi đủ 56 tuổi 8 tháng…
Độ tuổi của người nghỉ hưu sớm vào năm 2024 theo quy định thấp nhất là 56 tuổi đối với lao động nam; 51 tuổi 4 tháng với lao động nữ. Năm 2025, lao động nam nghỉ hưu sớm nhất khi đủ 56 tuổi 3 tháng và lao động nữ nghỉ hưu sớm nhất khi đủ 51 tuổi 8 tháng…
Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định. Nghĩa là, năm 2024, nhóm lao động đặc thù này nghỉ hưu muộn nhất khi đủ 66 tuổi đối với lao động nam và 61 tuổi 4 tháng với lao động nữ.
Minh Hoa (t/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nguoi-lao-dong-sinh-nam-nao-se-nghi-huu-vao-thang-122023-a602928.html