Mặc dù giáo dục là quốc sách hàng đầu nhưng nguồn kinh phí đầu tư cho lĩnh vực này còn hạn chế, nhiều khó khăn. Trước bối cảnh đó, rất cần cơ chế, chính sách để tăng cường xã hội hóa, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo.
Theo Luật Giáo dục 2019, ngân sách Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Nhà nước cần dành tối thiểu 20% tổng chi cho giáo dục, đào tạo.
Tuy nhiên, báo cáo về hoạt động giáo dục và thực hiện ngân sách giáo dục năm 2022 của Chính phủ cho thấy: Dự toán chi thường xuyên lĩnh vực giáo dục, đào tạo là 275.709 tỷ đồng trên tổng số 1.784.600 tỷ đồng chi ngân sách Nhà nước, chiếm tỉ trọng xấp xỉ 15,45% tổng chi ngân sách.
Cộng thêm cả chi đầu tư năm 2022, tổng dự toán chi ngân sách cho ngành giáo dục là hơn 330.717 tỉ đồng, tăng 15,3% so với năm 2021.
Cũng tại hội thảo công bố Báo cáo phân tích ngành Giáo dục Việt Nam năm 2011-2020, mức đầu tư cho giáo dục có xu hướng tăng đều trong từng năm của giai đoạn 2011-2020, trung bình đạt khoảng 17-18%, có năm gần 19%.Tính theo tỉ lệ GDP (tổng sản phẩm quốc nội), mức chi tiêu cho giáo dục của Việt Nam tương đương 4,9% GDP.
Những con số kể trên có thể thấy mặc dù giáo dục luôn là lĩnh vực được ưu tiên chi ngân sách, tuy nhiên việc huy động nguồn lực xã hội tham gia đầu tư vào phát triển giáo dục là vô cùng cần thiết.
Về xã hội hoá lĩnh vực giáo dục, Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) về định hướng chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhiệm vụ đến năm 2000 đã chỉ rõ: “Thể chế hoá chủ trương xã hội hoá giáo dục đã ghi trong nghị quyết Đại hội VIII”.
Thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 90/CP ngày 21/8/1997 về phương hướng và chủ trương xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá. Cùng theo đó, Luật Giáo dục ra đời năm 1998, lần đầu tiên công nhận chế độ đa sở hữu đối với các cơ sở giáo dục, bao gồm công lập, bán công, dân lập và tư thục.
Năm 2012, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 40/NQ-CP về xã hội hóa giáo dục. Cho đến hiện nay, chủ trương xã hội hóa giáo dục còn được thể hiện rõ trong Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Trong phần định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, quan điểm chỉ đạo, Nghị quyết 29 xác định: “Chủ động phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển giáo dục và đào tạo. Phát triển hài hòa, hỗ trợ giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa các vùng, miền. Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách. Thực hiện dân chủ hóa, xã hội hóa giáo dục và đào tạo”.
Cùng với đó, Luật Giáo dục năm 2019 nêu rõ: “Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển sự nghiệp giáo dục. Thực hiện đa dạng hóa các loại hình cơ sở giáo dục và hình thức giáo dục; khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục; khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục dân lập, tư thục đáp ứng nhu cầu xã hội về giáo dục chất lượng cao”.
Mở rộng thị trường dịch vụ giáo dục chất lượng cao
Về vị trí, vai trò, sự cần thiết của mọi nguồn lực tham gia và hoạt động giáo dục hiện nay trao đổi với Người Đưa Tin, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Thoa - Ủy viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội đánh giá, xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán chủ trương ưu tiên đầu tư mọi nguồn lực để phát triển giáo dục, đào tạo.
Tuy nhiên, do nhu cầu về kinh phí để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học, mua sắm trang thiết bị giáo dục… hiện nay là rất lớn và ngân sách Nhà nước chưa thể đáp ứng được toàn bộ nhu cầu của người dân nên việc thu hút các nguồn lực của xã hội, cộng đồng đầu tư vào các hoạt động giáo dục là rất quan trọng và cần thiết.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, làm gia tăng nhu cầu của người Việt Nam và người nước ngoài tại Việt Nam được tham gia học tập ở các cơ sở giáo dục có chuẩn chất lượng quốc tế, dẫn tới yêu cầu về việc mở rộng thị trường dịch vụ giáo dục chất lượng cao.
Do đó, đòi hỏi Nhà nước phải có các chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo ở tất cả các cấp học, trình độ đào tạo.
Nhìn lại quá trình xã hội tham gia và hoạt động giáo dục thời gian qua, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa cho biết, hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục được quy định tại nhiều văn bản pháp luật quan trọng như Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng năm 2013, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học, Luật giáo dục nghề nghiệp và được cụ thể hóa trong các nghị định, nghị quyết của Chính phủ”.
Theo đó, Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đầu tư, đóng góp trí tuệ, công sức, tài sản cho giáo dục; xác định các nguồn lực xã hội là nguồn bổ sung quan trọng cho ngân sách nhà nước, góp phần làm tăng tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo.
Tuy nhiên, bà cũng cho biết: “Qua giám sát thực tiễn, chúng tôi cũng nhận thấy thực trạng thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư”.
Cụ thể ở đây, theo bà là các thủ tục hành chính, các chính sách ưu đãi về miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; điều kiện tiếp cận quỹ đất để xây dựng các cơ sở giáo dục ngoài công lập; chính sách thu hồi, giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình giáo dục; chính sách miễn, giảm thuế, ưu đãi về tín dụng, về đầu tư theo hình thức đối tác công tư… chưa đồng bộ với quy định của Luật Giáo dục và Nghị quyết số 35/NQ-CP; Nghị định 31/2021/NĐ-CP,…
Còn thiếu các quy định cụ thể về quyền lợi, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức khi đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
“Cần phải tiến hành sớm việc tổng kết thực tiễn thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; rà soát đề kịp thời phát hiện những quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn và còn thiếu, đề xuất hướng chỉnh sửa, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ cho phù hợp. Đồng thời, đề xuất các cơ chế, chính sách để tăng cường xã hội hóa, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo”, bà Mai Thoa nói.
Chưa thống nhất nhận thức gây khó khăn trong thực hiện
Mặc dù, không thể phủ nhận những ưu điểm của xã hội hoá giáo dục, nhưng trên thực tế, ở một số địa phương, cơ sở đào tạo chưa thực sự quan tâm đúng mức việc triển khai thực hiện chủ trương, chính sách.
Đối với nội dung này, bà Nguyễn Thị Mai Thoa đánh giá nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa của chính sách xã hội hóa giáo dục chưa thực sự thống nhất trong các cấp quản lý từ Trung ương đến địa phương và các tầng lớp nhân dân, ở nhiều địa phương và cơ sở giáo dục, dẫn đến việc thực hiện chính sách xã hội hóa giáo dục còn khó khăn.
Trong đó có cả những khu vực đô thị lớn, vừa, khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển ở mức cao; nguồn lực của xã hội thu hút vào khu vực giáo dục ngoài công lập còn thấp, mức độ huy động nguồn lực giữa các vùng, miền và giữa địa phương còn chênh lệch.
Theo bà Thoa, giải pháp quan trọng trước mắt là cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách về xã hội hóa giáo dục để tất cả các đối tượng liên quan nhận thức đúng đắn, đầy đủ và thực hiện có hiệu quả chủ trương huy động các nguồn lực của xã hội cho giáo dục.
Ngoài ra, Chính phủ và Bộ GD&ĐT cần thực hiện các hình thức khen thưởng, tôn vinh những tấm gương điển hình đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Đồng thời, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan quản lý và cơ sở giáo dục trong việc thực hiện các thủ tục thu hút và quản lý các nguồn lực huy động để phát triển giáo dục.
Đầu tư Nhà nước vẫn cần giữ vai trò chủ đạo
Phải nhìn nhận rằng xã hội hoá giáo dục không có nghĩa là giảm nhẹ trách nhiệm của Nhà nước, giảm chi ngân sách Nhà nước đối với lĩnh vực này. Điều này đặt ra, Nhà nước cần có vai trò gì trong việc điều hướng phát triển xã hội hoá giáo dục?
Trước vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Thoa nhấn mạnh, trách nhiệm và vai trò của Nhà nước luôn luôn được khẳng định và ghi nhận trong các văn bản của Đảng và Nhà nước, bên cạnh việc quy định“Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển sự nghiệp giáo dục”, Điều 16 Luật Giáo dục 2019 cũng ghi nhận“phát triển giáo dục, xây dựng xã hội học tập là sự nghiệp của Nhà nước và của toàn dân”.
Trên thực tế, tuy tỉ trọng đầu tư ở khu vực ngoài công lập ngày càng gia tăng nhưng vai trò của Nhà nước trong phát triển giáo dục được khẳng định ở mọi bậc học, cấp học, từ giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp đến giáo dục đại học.
“Nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục và đào tạo chính là nguồn bổ sung quan trọng cho ngân sách Nhà nước, góp phần làm tăng tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước tại các cơ sở công lập, để ngân sách nhà nước tập trung đầu tư vào những lĩnh vực, địa bàn và đối tượng mà tư nhân không muốn hoặc không có khả năng đầu tư. Bên cạnh đó, vai trò chủ đạo của Nhà nước trong phát triển giáo dục được thể hiện trong việc quản lý chất lượng giáo dục và giá cả các dịch vụ giáo dục của khu vực tư nhân đầu tư”, bà Nguyễn Thị Mai Thoa nhấn mạnh.
Theo nữ đại biểu, mặc dù các cơ sở giáo dục dân lập, cơ sở giáo dục tư thục hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính, nhưng pháp luật cũng yêu cầu phải công bố công khai chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo và mức thu phí cho từng năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; cho từng năm học và dự kiến cho cả khóa học đối với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học.
Ngoài ra, các điều kiện đầu tư thành lập và hoạt động của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài, văn phòng đại diện giáo dục nước ngoài tại Việt Nam, phân hiệu cơ sở giáo dục nước ngoài; các cơ sở giáo dục tư thục… cũng đã được pháp luật quy định đầy đủ và cụ thể về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, chương trình giảng dạy và các điều kiện liên quan khác.
Tổng kết lại, bà Nguyễn Thị Mai Thoa cho rằng, để tiếp tục thu hút các nguồn lực xã hội tham gia phát triển giáo dục, trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và của toàn xã hội về tầm quan trọng của xã hội hóa giáo dục, về chất lượng của các cơ sở giáo dục tư thục.
Bên cạnh đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về khuyến khích xã hội hóa giáo dục; đặc biệt là cần khắc phục căn bản những hạn chế, yếu kém trong khâu triển khai, thực thi các chủ trương, chính sách, pháp luật để có thể tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác huy động các nguồn lực của xã hội cho phát triển giáo dục và đào tạo.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/xa-hoi-hoa-giao-duc-chia-se-ganh-nang-cho-ngan-sach-nha-nuoc-a602981.html