Con trẻ khi đến độ tuổi đi học, nhiều bậc bố mẹ sẽ không giấu được nỗi lo lắng. Bởi ở giai đoạn này, bố mẹ sẽ rất khó để có thể theo dõi và dành sự chăm sóc sát sao cho con. Rời xa vòng tay của bố mẹ, trẻ sẽ phải tập thích nghi với môi trường mới.
Để con có một môi trường học tập tốt nhất, nhiều bố mẹ không ngại bỏ thời gian và tiền bạc để lựa chọn ngôi trường chất lượng, đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp, đảm bảo có thể mang đến cho con trẻ sự giáo dục hàng đầu. Đặc biệt ở giai đoạn mẫu giáo đầu đời, trẻ chưa có sự hoàn thiện trong nhận thức nên sẽ phải phụ thuộc rất lớn vào việc nuôi dạy của thầy cô.
Tuy nhiên sự thật là không phải quan điểm giáo dục của thầy cô nào cũng đúng, ngược lại đôi khi sẽ có những trường hợp gây phẫn nộ, tranh cãi đối với các bậc bố mẹ. Chẳng hạn như tình huống của bé trai 4 tuổi ở Hà Nam (Trung Quốc) mới đây được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội, thu hút sự quan tâm đông đảo từ hội phụ huynh.
Cụ thể cậu bé Tiểu Bách trong lúc học ở lớp đã phạm một lỗi nhỏ, và cô giáo đã phạt cậu bé đứng ở góc lớp. Việc trẻ ngoan sẽ được thưởng, hư sẽ bị phạt là điều dễ hiểu, tuy nhiên câu chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu như hình phạt của cô giáo Tiểu Bách có phần quá đáng đối với một đứa trẻ chỉ mới 4 tuổi.
Tiểu Bách đã bị bắt đứng suốt 107 phút (tức gần 2 tiếng đồng hồ), từ 9 giờ sáng đến 10 giờ 47 phút sáng. Trong ngần ấy khoảng thời gian, cậu bé thậm chí không được phép uống một ngụm nước nào, không được rời khỏi chỗ mà chỉ đứng im cho đến khi có sự đồng ý của cô giáo.
Sau khi tan học trở về nhà, Tiểu Bách vì tủi thân nên đã oà khóc và mách lại với bố mẹ. Nghe con trai nói bị cô giáo phạt quá đáng, người mẹ đã không kiềm chế được sự phẫn nộ nên đã vội vã đến trường mẫu giáo của con trai tìm gặp thầy hiệu trưởng kiện.
Tuy nhiên, lời giải thích của hiệu trưởng càng khiến bà mẹ thêm tức giận, ngay lập tức muốn chuyển trường cho con. Theo đó thầy đã nói với mẹ Tiểu Bách rằng: "Cô giáo còn khá trẻ nên thiếu kinh nghiệm, mong phụ huynh có thể thông cảm bỏ qua". Không chỉ mẹ Tiểu Bách mà ngay cả những bà mẹ khác trong tình huống này cũng sẽ rất khó chấp nhận lời giải thích của thầy hiệu trưởng.
Bởi sự thật là bố mẹ nào cũng đều thương con, xót con, gửi con đến trường học với mong muốn con sẽ phát triển tốt, được nhận sự giáo dục chất lượng nhất trong môi trường ấm áp, yêu thương của thầy cô giáo. Đồng ý rằng khi trẻ không ngoan, hoặc phạm lỗi thì thầy cô có quyền phạt để trẻ có thể rút ra bài học cho bản thân và không mắc lỗi vào lần sau. Thế nhưng cho dù là hình phạt hay phần thưởng thì nó cũng nên được áp dụng một cách phù hợp.
Dưới góc độ nghề nghiệp, chăm sóc học sinh là linh hồn của đạo đức nhà giáo, dạy dỗ, giáo dục học sinh là nhiệm vụ bắt buộc của nhà giáo. Tuy nhiên, mỗi độ tuổi sẽ có phương pháp giáo dục khác nhau. Trẻ trong giai đoạn mẫu giáo đầu đời là độ tuổi hồn nhiên, ngây thơ và khá nghịch ngợm. Lúc này, những đứa trẻ hoàn toàn chưa có đủ nhận thức để điều khiển hành vi của mình sao cho đúng đắn nhất, chính vì vậy mà giáo viên cần kiên nhẫn và quan tâm đến trẻ nhiều hơn.
Không thể giáo dục học sinh 4 tuổi một cách "mạnh tay" như phạt đứng lâu, nhịn ăn nhịn uống giống trường hợp của cậu bé ở trên. Bởi việc bắt trẻ nhỏ đứng lâu như vậy sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ thể chất, đồng thời gây tổn thương sâu sắc đối với tâm lý của trẻ.
Trẻ em là mần non tương lai của đất nước. Trường mẫu giáo là "mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng những mần non phát triển". Chính vì thế mà môi trường học tập không nên trở thành nỗi sợ hãi, ám ảnh trong quá trình trưởng thành của trẻ, là vết sẹo khó chữa lành cho đến mãi về sau.
Đó là lý do mà trước khi gửi con đến trường, bố mẹ cần có sự đầu tư kỹ lưỡng trong việc chọn lựa một môi trường phù hợp đối với trẻ. Dưới đây là một số yếu tố bố mẹ nên lưu ý:
- Chất lượng giáo dục tốt: Đây là yếu tố quan trọng nhất khi chọn trường cho con. Nghiên cứu về chương trình giảng dạy, phương pháp giảng dạy, và thành tích học tập của trường. Xem xét xem trường có cam kết đảm bảo chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện của trẻ hay không.
- Môi trường học tập an toàn: Đảm bảo trường cung cấp một môi trường an toàn và bảo vệ cho trẻ. Kiểm tra các biện pháp về an ninh và giám sát trong trường học. Tìm hiểu về chính sách và quy trình đối phó với tình huống khẩn cấp hoặc tai nạn có thể xảy ra.
- Kích thích phát triển xã hội và rèn luyện nhân cách: Trường học nên tạo ra một môi trường xã hội tích cực và khuyến khích phát triển nhân cách của trẻ. Quan sát xem trường có các hoạt động tập thể, dự án nhóm, và các chương trình phát triển kỹ năng xã hội cho trẻ hay không.
- Phương pháp giảng dạy, cơ hội phát triển cá nhân: Xem xét phương pháp giảng dạy và cách trường tạo điều kiện để trẻ phát triển cá nhân. Trường học có tập trung vào việc khám phá, tư duy sáng tạo, và phát triển kỹ năng quan sát, tự chủ cho trẻ hay không.
- Vị trí trường học: Xem xét vị trí của trường có gần nhà và di chuyển thuận tiện hay không. Cân nhắc các tiện ích xung quanh như công viên, thư viện, bệnh viện để đảm bảo môi trường sống tốt cho trẻ. Nếu trường có khoảng cách xa, hãy xem xét các phương tiện giao thông và thời gian đi lại có phù hợp với gia đình hay không.
Trong tình huống bố mẹ phát hiện con trẻ bị thầy cô giáo đưa ra hình phạt không phù hợp ở trường, bố mẹ nên phản ứng như thế nào?
Trước hết, bố mẹ cần duy trì sự bình tĩnh, kiềm chế cảm xúc. Sau đó, thu thập thông tin chi tiết về tình huống cụ thể mà con trẻ bị áp dụng hình phạt, bao gồm các sự việc, thời gian, địa điểm và chi tiết khác liên quan.
Tiếp theo, bố mẹ nên gặp gỡ và trò chuyện trực tiếp với thầy cô giáo chủ nhiệm, người đã sử dụng hình phạt đối với con để trao đổi về việc này, lắng nghe quan điểm của thầy cô và giải thích rõ ràng về sự lo ngại của bố mẹ.
Nếu cuộc trò chuyện không giải quyết được vấn đề, bố mẹ có thể liên hệ với những người đứng đầu trường học để thông báo về tình huống và yêu cầu sự can thiệp công bằng, phù hợp. Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể thảo luận với các phụ huynh khác để được tư vấn và hỗ trợ.
Trong trường hợp tình huống không được giải quyết một cách hợp lý, và con trẻ vẫn tiếp tục gặp phải hình phạt không phù hợp như thế, bố mẹ có thể xem xét việc chuyển con sang trường học khác, nơi có môi trường và phương pháp giáo dục phù hợp hơn. Quan trọng nhất là đảm bảo rằng con trẻ luôn được bảo vệ và đối xử công bằng trong môi trường học tập.
KIỀU TRANG