Bệnh nhân là ông H.V.M. (58 tuổi, ngụ tại Tiền Giang). Ông M. phát hiện bị rung nhĩ cách đây 7 năm, được chỉ định dùng thuốc kháng đông để dự phòng đột quỵ. Tuy nhiên, ông tái khám trễ và ngưng thuốc kháng đông trong 2 ngày.
Thông tin trên Vietnamnet, một tuần trước, khi đang được bác sĩ thăm khám tại Bệnh viện Đại học Y Dược Tp.HCM, ông M. bất ngờ liệt nửa người trái, méo miệng, nói đớ. Bệnh nhân lập tức được chuyển xuống phòng Cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán ông bị đột quỵ có thể do thiếu máu não liên quan đến rung nhĩ.
Bệnh nhân nhanh chóng được chụp cắt lớp sọ não và mạch máu não và chuyển lên can thiệp nội mạch cấp cứu, lấy được cục máu đông, thông lại mạch máu. Sau can thiệp, người bệnh hồi phục tốt, chỉ còn yếu nhẹ tay trái.
Các bác sĩ đánh giá, nếu không cấp cứu kịp thời, người bệnh sẽ bị nhồi máu não diện rộng, hư hại gần một nửa não bộ, nguy cơ phù não nặng nguy hiểm tính mạng hoặc liệt nửa người và rối loạn lời nói.
Sau khi tình trạng ổn định, người bệnh được chỉnh liều kháng đông cho phù hợp để tiếp tục dùng thuốc lâu dài.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, Tiến sĩ, bác sĩ Bùi Thế Dũng, Trưởng khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược Tp.HCM cho biết một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của rung nhĩ là đột quỵ.
Trong trường hợp rung nhĩ, tần số của nhĩ đập khoảng 300-600 lần/ phút, góp phần hình thành nên cục máu đông trong tim. Người bệnh và bác sĩ rất khó phát hiện ra cục máu đông vì chúng chưa có bất kỳ biểu hiện nào về sức khỏe. Nếu chúng có kích thước đủ lớn, chỉ khi tiến hành siêu âm tim, bác sĩ mới quan sát được.
Nếu cục máu đông bong tróc trôi ra bên ngoài hệ tuần hoàn gây tắc mạch máu, đặc biệt là mạch máu não, người bệnh sẽ gặp phải các khiếm khuyết về thần kinh. Một trong những biện pháp hiệu quả nhất giúp người bệnh rung nhĩ phòng ngừa tốt nguy cơ đột quỵ là sử dụng các loại thuốc kháng đông. Thuốc giúp ngăn cản sự hình thành cục máu đông bất thường trong cơ thể.
Hiệu quả điều trị rung nhĩ chỉ đạt được khi người bệnh uống thuốc đầy đủ, đúng liều, tuân thủ đúng chỉ định, duy trì liên tục. Thực tế có nhiều người bệnh vì lý do quên, bận rộn nên không uống đúng - đủ thuốc, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bác sĩ cũng khuyến khích người nhà tích cực đồng hành để giúp đỡ người bệnh rung nhĩ trong việc ghi nhớ uống thuốc. Đồng thời, ghi nhớ lịch tái khám đúng hẹn để bác sĩ có thể đánh giá chính xác tình trạng sức khỏe hiện tại và mức độ đáp ứng với thuốc.
Trước đó cũng có trường hợp, bệnh nhân ở Tp.HCM đi tái khám bất ngờ đổ gục ngay trước mặt bác sĩ. Cụ thể, thông tin ban đầu trên Người Lao Động, bệnh nhân là ông T.V.H. 70 tuổi, ngụ tại Tp.HCM, đến Bệnh viện Đại học Y Dược Tp.HCM tái khám bệnh mạn tính định kỳ song bỗng nhiên ú ớ đớ họng không nói được, liệt tay chân rồi gục luôn trên bàn khám.
Ngay lập tức quy trình báo động đỏ cấp cứu đột quỵ được khởi động khẩn cấp. Ông H. nhanh chóng được cấp cứu, chụp CT não điều trị thuốc tan cục máu đông và dùng dụng cụ lấy huyết khối thông lại mạch máu tắc.
TS.BS Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Đơn vị Đột quỵ Bệnh viện Đại học Y Dược, cho biết may mắn phát hiện ngay và xử trí can thiệp kịp thời tại bệnh viện chỉ trong 20 phút nên sức khỏe người bệnh phục hồi rất nhanh.
Sau 12 giờ, bệnh nhân hầu như không còn triệu chứng, trở lại bình thường. Kết quả chụp MRI cho thấy người bệnh không còn tổn thương nào trên não. Ông H. tiếp tục được theo dõi tại đơn vị đột quỵ để phục hồi chức năng và truy tìm nguyên nhân để ngăn ngừa đột quỵ tái phát.
"Đột quỵ có thể xảy ra bất ngờ với bất kì ai. Nếu không được cấp cứu kịp thời trong "thời gian vàng" hậu quả do đột quỵ rất nghiêm trọng với tỉ lệ tử vong khoảng 10% - 20%", BS Thắng thông tin.
Trúc Chi (t/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/di-tai-kham-muon-2-ngay-nguoi-dan-ong-bong-do-nguc-truoc-mat-bac-si-a603223.html