Cảnh báo khi trẻ em nghiện mạng xã hội
Một nghiên cứu tại Canada công bố ngày 27/11 cho biết, những đứa trẻ dành hàng giờ lướt mạng xã hội thường có biểu hiện hung hăng, trầm cảm và lo lắng nhiều hơn.
Nghiên cứu này sử dụng hình ảnh của não để phân tích những tác động của mạng xã hội đối với trẻ em, cho thấy rằng trẻ trầm cảm, lo lắng và thậm chí là hung hăng gia tăng đến mức đáng báo động.
Chủ tịch Hội đồng nghiên cứu Canada về khoa học thần kinh và rối loạn học tập Emma Duerden nhận xét khi trẻ em dành nhiều thời gian hơn trước màn hình, sự căng thẳng sẽ gia tăng, mức độ lo lắng hay trầm cảm của trẻ tăng lên.
Bà Duerden giải thích điều này giống như việc serotonin (hormone hạnh phúc) có chiều hướng giảm khi chúng ta đói (đói và tức giận thường xuất hiện đồng thời). Thời gian ngồi trước màn hình có thể ảnh hưởng mạnh tới “hệ thống khen thưởng” của não, vốn là chìa khóa cho việc đưa ra các quyết định tích cực và sáng suốt.
Bà Duerden cho biết, khi thiếu niên xem một bộ phim hoạt hình không có lời thoại, hoặc không hiểu lời thoại do không biết ngôn ngữ đó, các vùng não cốt lõi liên quan đến xử lý vấn đề xã hội cho thấy sự thay đổi về mức độ ô xy, các vùng khác của não hạn chế hoạt động. Vỏ não trước trán sẽ được kích hoạt khi xem một nhân vật trong phim phải trải qua nỗi đau thể xác. Đối với trẻ em, vỏ não trước trán đóng vai trò quan trọng trong việc nắm bắt những kiến thức ở trường.
Tiến sĩ Michaela Kent - thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết bà cảm thấy thực sự bất ngờ khi nói chuyện với những học sinh nghiện mạng xã hội. “Các em rất khó nắm bắt những vấn đề xã hội thông thường. Chúng đã quá quen với sự kích thích liên tục khi lướt mạng nên việc phải tập trung là thực sự khó khăn” - bà Michaela nói.
Bác sĩ tâm lý thanh thiếu niên Rachel Mitchell (Trung tâm Y khoa Sunnybrook ở Toronto, Canada) cho biết, một số thanh thiếu niên dễ tranh cãi và có hành vi bạo lực. Trong khi đó, điều đáng ngại là các thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) trong nền tảng truyền thông xã hội được thiết kế để thu hút và giữ chân người dùng, để họ tiếp xúc nhiều hơn với quảng cáo.
Theo giáo sư tâm lý học Patricia Conrod - Chủ tịch Hội đồng nghiên cứu Canada về sức khỏe tâm thần dự phòng, hiện trẻ em dễ dàng đăng nhập vào bất cứ trang web nào.
Tại Mỹ, chính quyền nhiều bang đã phải tăng cường sự giám sát đối với các mạng xã hội, do nguy cơ tác động tiêu cực tới sức khỏe tinh thần của người dùng, đặc biệt là trẻ em.
Trang “Tin tức nước Mỹ” dẫn một nghiên cứu nhóm tuổi từ 9 đến 10 cho thấy, trẻ em xem nhiều điện thoại, máy tính bảng hay chơi điện tử bị trầm cảm cao hơn so với bình thường. Đồng thời nhóm trẻ này dễ có biểu hiện "hung hăng" và thiếu kỷ luật hơn.
Tiêm tan mỡ có giảm béo hiệu quả như lời đồn?
Ths-BS Phan Ngọc Huy, Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM cho biết, phương pháp tiêm tan mỡ bản chất là đưa các hoạt chất có tính năng ly giải mỡ vào dưới da để kích thích quá trình ly giải mỡ.
Tiêm tan mỡ là dùng kim tiêm tiêm từng điểm nhỏ vào nơi muốn ly giải mỡ như vùng bụng, mông, cánh tay, thậm chí là vùng mặt.
Phương pháp tiêm tan mỡ nhìn chung vẫn khá an toàn. Tuy nhiên nếu tiêm sai kỹ thuật hoặc lượng thuốc tiêm quá nhiều tại một vùng hoặc không đảm bảo khoảng cách giữa các mũi tiêm thì dễ xảy ra biến chứng.
Chẳng hạn, nếu nhẹ có thể bị viêm da, nóng, sưng nề, đỏ vùng da tiêm, nhiễm trùng, áp xe da tại chỗ. Nặng hơn sẽ gây hoại tử da, bội nhiễm vi khuẩn, kháng thuốc...
Nếu bị nhẹ thì việc điều trị mất khoảng 1-2 tuần, nặng hơn thì khoảng 3-4 tháng.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế và Sở Y tế đều chưa cấp phép cho bất kỳ hoạt chất nào để tiêm tan mỡ (tiêm vi điểm trong điều trị giảm mỡ). Do đó, người dùng cần cẩn thận với những lời quảng cáo có cánh về các hiệu quả của phương pháp tiêm tan mỡ.
Để có thể đạt hiệu quả giảm mỡ tốt nhất, bạn cần có phương pháp ăn uống, tập thể dục phù hợp.
Ngoài ra có thể chọn các phương pháp an toàn như công nghệ giảm mỡ nhiệt độ cao hoặc đông hủy mỡ nhiệt độ thấp; các phương pháp giảm mỡ cơ học như xung siêu âm không nhiệt, liệu pháp laser cường độ thấp, liệu pháp sốc xung kích ngoại bào.
Đã xác định món ăn là nguyên nhân khiến 93 học sinh ngộ độc ở Kiên Giang
Sáng 28/11, ông Chung Tấn Thịnh, Phó giám đốc Sở Y tế Kiên Giang cho biết cơ sở dịch vụ nấu ăn Cát Tường, phường Vĩnh Lợi, TP Rạch Giá là nơi đã cung cấp thức ăn chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đã gây ngộ độc cho 93 học sinh tại 3 điểm trường trên địa bàn.
Nguyên nhân gây ngộ độc là do cơ sở dịch vụ nấu ăn Cát Tường - đơn vị cung cấp suất ăn trong trường học vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Món ăn gây ngộ độc được xác định là món thịt heo khìa bị nhiễm vi sinh vượt ngưỡng giới hạn cho phép.
Thực đơn bữa trưa và bữa xế phục vụ học sinh hôm đó tại 3 trường ở TP Rạch Giá có học sinh bị ngộ độc thực phẩm gồm cơm trắng, canh chua, thịt heo khìa, mít, mì tươi nấu rau củ, bánh bông lan và nước sâm.
"Qua điều tra tìm hiểu nguyên nhân vụ ngộ độc, cơ quan chức năng phát hiện cơ sở dịch vụ nấu ăn Cát Tường có các vi phạm về chế biến thức ăn chưa đảm bảo.
T.M (tổng hợp)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/tin-tuc-doi-song-2811-canh-bao-khi-tre-em-nghien-mang-xa-hoi-a603250.html