Vượt lên chính mình
Khiếm khuyết ở mắt từng là một phần khiến cậu sinh viên 22 tuổi thiếu đi cảm giác an toàn và bật cơ chế phòng vệ khi bước ra khỏi phạm vi gia đình. “Mình ở nhà nhiều đến mức mà bố mẹ và ông bà bảo có khi thằng Trường bị tự kỷ rồi” - Trường khúc khích cười.
Mắt không nhìn thấy chữ trên bảng, mẹ và bà ngoại ngày ngày trở thành cô giáo của cậu. Vượt lên sự mặc cảm về đôi mắt, cậu bé năm ấy vẫn lớn lên và chấp nhận việc đi học ở một trường xa nhà ngay khi lên cấp 2, vì bố mẹ cậu muốn con mình học cách sống tự lập ngay trong hoàn cảnh khó khăn nhất. Cho đến tận bây giờ, chàng trai ấy vẫn luôn thầm cảm ơn bố mẹ vì quyết định đúng đắn đó.
Không chỉ nhận được sự giúp đỡ từ gia đình, bạn bè và thầy cô cũng là những người giúp đỡ Minh Trường trong suốt thời gian học tập và rèn luyện. Hồi cấp 1, học tại một trường ở làng, thầy cô hiểu rõ vấn đề khiếm khuyết của Minh Trường nên đã tạo mọi điều kiện học tập cho cậu.
Do thị lực kém, khó quan sát bài học, Trường được các thầy cô cho quyền lên bảng bất kỳ lúc nào để theo dõi bài giảng. Lên cấp 2, Trường được học trong môi trường chuyên biệt hơn, những kỹ năng cơ bản đến kỹ năng giao tiếp xã hội được thầy cô bồi dưỡng từng ngày. “Đó cũng là điều kiện thuận lợi nhất để mình phát triển bản thân” - Trường nói thêm.
Điều đặc biệt ở Trường là sự tự tin vượt lên trên mặc cảm của người khuyết tật. Ở cậu không chỉ có kỹ năng sống và khắc phục khiếm khuyết về hình thể để không thua kém một người bình thường, mà nổi trội chính là tinh thần lạc quan - nghệ thuật sống của chàng trai mảnh đất Hưng Yên.
Nỗ lực không ngừng
Minh Trường luôn tin rằng, từ trong sâu thẳm trái tim, cuộc đời không có bất cứ giới hạn nào cho bất cứ ai. Phải chăng vì lẽ đó mà dẫu có gian nan, dẫu mưa nắng nhọc nhằn, chàng trai nỗ lực vẫn bền bỉ đặt những bước chân của mình lên con đường học vấn đi đến lẽ sống cao cả.
Rời xa ngôi trường cấp 2 Nguyễn Đình Chiểu, cuộc sống của Trường lại sang một trang mới khi cậu quyết định theo học tại THPT Trần Nhân Tông - một môi trường giáo dục phổ thông dành cho tất cả học sinh. Với Trường, đó là khoảng thời gian thực sự chênh vênh và thử thách. Sự thay đổi về cách thức giảng dạy, lượng kiến thức ngày càng nhiều và áp lực bắt kịp những bạn học cùng trang lứa đòi hỏi Trường phải tìm ra phương pháp học tập mới cho riêng mình.
Thời điểm đó cũng là bước ngoặt lớn trong hành trình theo đuổi đam mê cờ vua của chàng trai trẻ với hàng loạt Huy chương Vàng. Từ một thành viên còn nhiều hạn chế được chọn tham gia đội tuyển cờ vua Người khuyết tật TP. Hà Nội, Lã Minh Trường trở thành người bám trụ lâu nhất trong đội tuyển trẻ tuổi cho tới thời điểm hiện tại. Và như những trái ngọt của tháng ngày vun vén, chăm trồng, Trường đã giành được hàng loạt các huy chương Vàng, huy chương Bạc bộ môn cờ vua tại giải Vô địch Thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2022 của Hiệp hội Paralympic Việt Nam.
Mùa đông năm 2018, cậu học sinh lớp 12 Lã Minh Trường có cơ hội được tham gia cuộc thi Thách thức công nghệ thông tin toàn cầu cho thanh thiếu niên khuyết tật (GITC) tại đất nước Hàn Quốc xa xôi. Những bất đồng trong giao tiếp của các thí sinh là điều khiến Trường nhớ mãi: “Khác biệt về ngôn ngữ và dạng tật của chúng mình lúc đó khiến mọi người khó có thể hiểu ý nhau. Tuy nhiên, vượt lên trên mọi rào cản, mọi người vẫn nhiệt tình hỗ trợ và giúp đỡ nhau rất nhiều trong suốt quá trình thi đấu.”
Minh Trường tâm sự về những tháng ngày khó quên nơi đất khách quê người: “Mùa đông Hàn Quốc thực sự rất lạnh, nhưng có lẽ hành động của tất cả mọi người đã xóa tan đi mọi sự lạnh lẽo và giúp mình cảm nhận được sự ấm áp của tình người. Trong giây phút đó, mình cảm nhận bản thân dường như có sự chuyển biến về nhận thức. Mình tìm ra được giá trị của bản thân, những thứ mà bản thân mình cần theo đuổi."
Và như vậy, từ một đứa trẻ lớn lên trong biết bao mặc cảm, chỉ thấy mịt mù đường dài phía trước, sau cùng Trường đã tìm thấy con đường mình cần đi, đó là hỗ trợ cộng đồng người khuyết tật. Để thực hiện hóa mong muốn đó, Trường đã từ bỏ ngành học yêu thích tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Sư phạm Toán để theo học Khoa Công tác xã hội, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tại đây, Trường giữ chức Phó Bí thư Liên chi đoàn của khoa.
Với cương vị này, Trường cùng các bạn của mình thực hiện nhiều công việc có ích, mang lại giá trị to lớn cho xã hội như: Kêu gọi từ thiện, làm tình nguyện viên, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền lợi của người khuyết tật nói riêng, người yếu thế trong xã hội nói chung.
"Công tác xã hội là nơi chắp cánh ước mơ và giúp mình tìm ra sứ mệnh của bản thân. Khi vấp ngã hãy nghĩ về lý do ta bắt đầu và lý do mà mình bắt đầu chính là những khát vọng và trách nhiệm với bản thân nói riêng và với cộng đồng người khuyết tật nói chung. Điều đó đã trở thành động lực, khao khát để mình tiếp tục thực hiện ước mơ và hoàn thiện mục tiêu mà mình đã vạch ra", Trường bộc bạch.
Trước những nỗ lực của Lã Minh Trường, năm 2022, cậu được vinh danh Gương Thanh niên khuyết tật tiêu biểu trong chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt 2022 và đối thoại trực tiếp với Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân. Trường cũng là một trong 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2022 được nhận bằng khen được tổ chức vào 26/3/2023.
Luôn có thái độ sống tích cực
Với Minh Trường, điều kiện tiên quyết để thanh niên đạt được những ước mơ và cống hiến cho xã hội chính là hai từ “trách nhiệm”. Chàng trai ấy luôn quan niệm rằng bản thân mỗi người đều có quyền công dân, quyền dân chủ và song song với đó là trách nhiệm.
Minh Trường khẳng định: “Chúng ta không chỉ làm những gì chúng ta phải làm mà hãy làm những việc mà mình nên làm. Từ đó, mình sẽ có trách nhiệm với bản thân mình hơn, sau đó là với gia đình và mọi người trong xã hội, hơn thế là trách nhiệm với cuộc đời này. Đến cuộc đời này thì mình phải làm những gì để có thể để lại những dấu ấn, những vết son.”
“Ai cũng chỉ sống một lần trong đời, hãy làm những gì để bản thân để lại những dấu ấn, những giá trị đẹp nhất trong cuộc đời này. Xuất phát từ những trách nhiệm ấy thì mỗi người dần dần hình thành những khát vọng và xây dựng được niềm tin: Tin những điều mình nghĩ và yêu những điều mình làm. Thanh niên nên đặt niềm tin vào chính bản thân mình và những điều có thể làm được. Cộng với tinh thần trách nhiệm là việc học hỏi không ngừng. Vì khi có nhận thức về việc đúng và sai thì mới xác định được đúng vấn đề mình cần giải quyết.”
Chưa dừng lại ở đó, nói về những dự định trong tương lai, chàng trai trẻ tiếp tục khẳng định khát khao được đóng góp và cống hiến: "Tương lai xa hơn, mình sẽ tham gia vào Khoa học, phấn đấu có bài báo quốc tế. Mình rất mong muốn trở thành một nhà truyền cảm hứng hay nhà vận động chính sách xã hội về quyền tiếp cận đối với người khuyết tật. Từ đó xã hội trở nên công bằng, dân chủ, văn minh hơn đối với những người khuyết tật nói riêng và đối với những người yếu thế nói chung."
Khiếm khuyết nhưng can trường, khó khăn nhưng chưa bao giờ từ bỏ niềm tin, sống một hành trình đầy nỗ lực như chính cái tên của mình, chàng sinh viên khiếm thị ấy luôn có một mong muốn là có thể khiến tất cả mọi người hạnh phúc. Cuộc đời của Trường, nụ cười lạc quan của cậu ấy, niềm tin, nghị lực, ý chí, sự kiên cường bất chấp hạn chế về thị giác nhưng Lã Minh Trường lại có tất cả những giá trị sống ngời sáng như vì tinh tú giữa bầu trời bao la.
Khánh Xuân - Nhật Lệ
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/khat-vong-truyen-cam-hung-cho-nguoi-khuyet-tat-cua-chang-trai-khiem-thi-da-tai-a603381.html