Thị trường trải qua tuần hồi phục với biên độ hẹp khi đón nhận nhiều thông tin vĩ mô quan trọng. Cụ thể, bình quân 11 tháng năm 2023, CPI tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 4,27%. Tính tới 15/11/2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 587,68 tỷ USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước, xuất siêu ước 24,44 tỷ USD.
Tại nước ngoài, lạm phát tại Mỹ tiếp tục hạ nhiệt với chỉ số PCE lõi (chỉ số giá chi tiêu cá nhân không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng) tăng 0,2% trong tháng 10 và 3,5% so với cùng kỳ năm trước.
Đà tăng trong phiên cuối đã giúp thị trường lấy lại mốc 1.100 điểm. Kết tuần 27/11 – 1/12, chỉ số VN-Index tăng 6,56 điểm, tương đương 0,6% so với cuối tuần trước lên 1.102,16 điểm.
Điểm trừ là thanh khoản vẫn “thất thế” khi tâm lý của nhà đầu tư vẫn còn khá thận trọng. Tổng giá trị giao dịch bình quân phiên trong tuần đạt 15.065 tỷ đồng, giảm tới 29% so với tuần trước.
Một số mã cà đà tăng mạnh trong tuần như PTD (+42,86%), HU1 (+30,63%), NAP (+19,63%), BTP (+15,91%), VCM (+15,28%). Trái chiều, các mã giảm mạnh đơn cử HCT (-18,75%), CLW (-18,68%), BAX (-12,67%), KDM (-12,44%), LDG (-11,31%).
Về xu hướng dòng tiền trong thời gian tới, ông Nguyễn Anh Khoa – Trưởng phòng Phân tích và Nghiên cứu CTCK Agriseco và ông Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng phòng Phân tích Cổ phiếu CTCK MB (MBS) đều cho rằng nhóm cổ phiếu cần quan tâm là vật liệu xây dựng, thép, dầu khí.
Người Đưa Tin (NĐT): Thị trường trải qua tuần giao dịch hồi phục khi lấy lại mốc 1.100 điểm, phiên cuối tuần cũng là phiên mở màn tháng 12 đã đảo chiều thanh công nhưng thanh khoản vẫn là điểm trừ. Ông có đánh giá thế nào về diễn biến tuần vừa rồi?
Ông Nguyễn Anh Khoa: Việc thiếu động lực thúc đẩy giá ở nhóm vốn hóa lớn phần nào khiến chỉ số VN-Index đang chững lại. Thanh khoản thị trường ở mức thấp cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn còn đang thận trọng chờ đợi xác nhận xu hướng tăng một cách rõ ràng hơn.
Theo tôi, cùng với diễn biến tích cực của các thị trường chứng khoán trên thế giới, VN-Index có thể tiếp tục tích lũy trong biên độ hẹp và sẽ sớm xác nhận xu hướng tăng khi dòng tiền lớn quay trở lại thị trường.
Ông Nguyễn Tiến Dũng: Tôi cho rằng, giai đoạn tích lũy đang dần kết thúc do nhịp tích lũy đã đáp ứng được về mặt thời gian. Còn về mặt khối lượng, có thể cần khoảng 2 -3 phiên nữa để hoàn thành tích lũy.
Việc thanh khoản sụt giảm trong một xu hướng tích lũy của thị trường là điều thường được chứng kiến. Điểm sáng là, có nhiều phiên chỉ số giảm sâu nhưng sau đó cầu vào và đẩy điểm số lên tạo ra những phiên “rút chân” tích cực, cho thấy lượng tiền đang chực chờ nắm bắt cơ hội ở ngoài còn khá dồi dào.
Tôi cho rằng, chỉ trong những giai đoạn giằng co và có phần chán nản như thời điểm hiện tại chúng ta mới có cơ hội để tích lũy những cổ phiếu tiềm năng ở mức giá hấp dẫn, đón đầu cho một nhịp tăng sắp tới.
NĐT: Tuần qua, dòng tiền đổ về nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nổi bật là ngành thép, dầu khí, chứng khoán có phần mạnh mẽ hơn cổ phiếu nhóm vốn hoá lớn. Theo ông, xu hướng dòng tiền trong thời gian tới sẽ đổ vào nhóm ngành nào?
Ông Nguyễn Anh Khoa: Hiện tại nhà đầu tư có thể chờ đợi cơ hội mới khi một vài doanh nghiệp đầu ngành công bố kết quả kinh doanh tháng và 2 quỹ ETF nước ngoài cơ cấu danh mục.
Ngoài ra, việc cập nhật tiến độ đầu tư công có thể mang đến cơ hội với nhóm vật liệu và xây dựng hạ tầng, dầu khí. Bên cạnh đó, tháng 12 sẽ tương đối gần với thời điểm đồng bộ và vận hành thử hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin với kỹ thuật, kỳ vọng thanh khoản phục hồi có thể sẽ giúp dòng tiền gia tăng trở lại tại nhóm chứng khoán.
Ông Nguyễn Tiến Dũng: Cá nhân tôi cho rằng, ở giai đoạn đầu chu kỳ phục hồi kinh tế, nhóm ngành công nghiệp cơ bản thường phục hồi và tăng trưởng mạnh đầu tiên, do nhu cầu về hàng hóa cơ bản có sự gia tăng mạnh mẽ để làm nguyên liệu đầu vào cho toàn bộ nền kinh tế.
Nền kinh tế Việt Nam đang cho thấy những dấu hiệu phục hồi từ đáy, do đó tôi ưu tiên lựa chọn những cổ phiếu thuộc nhóm hàng hóa cơ bản để giải ngân khi có cơ hội trong thời điểm hiện tại. Một vài nhóm cổ phiếu có thể quan tâm như thép, hóa chất, dầu khí…
NĐT: Ông hãy cho biết định hướng hành động cho nhà đầu tư vào thời điểm này là gì?
Ông Nguyễn Anh Khoa: Với việc liên tục vượt rồi sau đó lại mất mốc hỗ trợ/kháng cự, chỉ số có thể đang chờ đợi nhiều hơn các tín hiệu tại 2 mốc điểm quan trọng hơn là hỗ trợ tại vùng 1.080 điểm và kháng cự tại MA200 quanh vùng 1.120 điểm.
Dựa vào kênh giá hồi phục được hình thành từ đầu tháng 11, thị trường có thể sẽ nằm trong xu hướng vừa tăng vừa tích luỹ, hay còn gọi tăng từ từ trong tuần tới.
Nhà đầu tư nên giữ tỉ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức vừa phải khoảng 30 - 40% danh mục, có thể giải ngân thăm dò khi về giá về vùng hỗ trợ tại kênh dưới để tìm lợi thế giá vốn.
Ông Nguyễn Tiến Dũng: Trong kịch bản chứng khoán thế giới điều chỉnh khi gặp vùng cản mạnh, xu hướng đi ngang của thị trường trong nước có thể bị phá vỡ. Khi ngưỡng hỗ trợ 1.075 điểm bị xuyên thủng, thị trường có thể thoái lui về vùng 1.050 – 1.065 điểm.
Đối với danh mục đầu tư ngắn hạn, nhà đầu tư cần quan sát thị trường để xác nhận tín hiệu giải ngân trong phiên đánh dấu sự bắt đầu một xu hướng tăng mới khi thỏa mãn các yếu tố bao gồm thoát khỏi kênh giá tích lũy và khối lượng bùng nổ.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/lang-kinh-chung-khoan-412-dong-tien-thang-cuoi-nam-do-ve-nganh-nao-a603507.html