Giấc ngủ là hiện tượng sinh lý không thể thiếu đối với mỗi người. Trong suốt cuộc đời của chúng ta, ngủ chiếm gần 1/3 thời gian. Quá trình ngủ không chỉ để nghỉ ngơi mà còn thúc đẩy sự phát triển thể chất và những giai đoạn quan trọng của quá trình tăng trưởng, đặc biệt đối với trẻ nhỏ.
Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa những đứa trẻ dậy sớm và dậy muộn. Dậy sớm là bí quyết của nhiều người thành công. Từ vận động viên đến bác sĩ, những người có hiệu suất công việc cao đều khuyên nên thức dậy sớm vì điều này giúp trẻ có khởi đầu cho một ngày mới, cũng như có nhiều thời gian hơn để hoàn thành vệ sinh cá nhân vào buổi sáng.
Khác biệt giữa trẻ dậy sớm và trẻ dậy muộn
1. Trẻ dậy sớm tập trung tốt hơn, thông minh hơn, phản ứng nhanh nhẹn và tương tác xã hội tích cực hơn
Khi ngủ, cơ thể trẻ tiết ra nhiều hormone tăng trưởng, giúp trẻ phát triển chiều cao tốt hơn. Những đứa trẻ có thể dậy sớm thường chứng tỏ rằng chúng đã ngủ đủ giấc. Ngủ đủ giấc cũng giúp trẻ khỏe mạnh hơn. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thiếu ngủ có thể khiến trẻ dễ bị cáu gắt, rối loạn hành vi và có nguy cơ cao mắc nhiều bệnh lý, nhất là bệnh béo phì.
Thời gian trẻ tự thức dậy cũng giúp mẹ biết rằng con có ngủ đủ giấc hay không và cùng con điều chỉnh để có được giấc ngủ chất lượng, giúp trẻ phát triển một cách tốt nhất.
2. Trẻ dậy muộn bị ảnh hưởng sinh hoạt
Nếu thức dậy quá muộn, các hoạt động ban ngày của trẻ sẽ bị ảnh hưởng không tốt. Chẳng hạn, nếu dậy muộn, trẻ sẽ không có cơ hội được tắm nắng sớm để bổ sung vitamin D, tăng cường khả năng hấp thụ canxi của cơ thể. Bên cạnh đó, trẻ cũng uể oải và kém linh hoạt hơn bình thường.
Những bé đã tới tuổi đi lớp thường phải dậy sớm vào buổi sáng. Nếu dậy muộn, bé sẽ bị trễ giờ các hoạt động trên lớp, tạo thành thói quen, tiền đề không tốt cho việc học tập sau này.
3. Trẻ dậy muộn tạo thành thói quen không tốt
Những đứa trẻ thường xuyên dậy sớm sẽ hình thành cho mình nếp đi ngủ và thức dậy theo đúng giờ giấc. Trẻ thường ngủ muộn sẽ rất dễ ngủ nướng vào sáng hôm sau, gọi mãi không dậy dù cha mẹ đã tìm đủ mọi cách. Những trường hợp như thế trẻ dễ tạo thành thói quen không tốt, ảnh hưởng đến các sinh hoạt khác trong ngày.
4. Trẻ dậy sớm làm được nhiều việc hơn
Những đứa trẻ có thói quen dậy sớm sẽ thường ăn sáng, đọc báo, hoàn thiện bài vở... làm được kha khá việc trước khi đến trường. Điều này sẽ rất tốt bởi con sẽ tỉnh táo, làm mọi việc một cách chỉn chu, dễ dàng hơn là khi tỉnh dậy trong tâm thế uể oải, mệt mỏi.
Một số lưu ý để trẻ có giấc ngủ ngon
Các bậc phụ huynh không nên chỉ quan tâm đến vấn đề trẻ em nên thức dậy lúc mấy giờ mà cần tìm hiểu thêm về việc giúp trẻ có một giấc ngủ ngon. Dưới đây là một số gợi ý cụ thể:
- Nên cho trẻ đi ngủ sớm.
- Cho trẻ ngủ vào một giờ cố định để giúp trẻ có được phản xạ nghỉ ngơi và ngủ dễ dàng hơn trong mọi hoàn cảnh.
- Trong lúc trẻ ngủ: Cần đảm bảo cho trẻ một không gian yên tĩnh. Bên cạnh đó, không nên để trẻ mất ngủ vì một số yếu tố không đáng có như mất ngủ do quá đói, quá no, do ngứa ngáy vì không được vệ sinh thân thể, do mặc quần áo quá chật, phòng ngủ không vệ sinh, bí bách,…
- Không nên thực hiện những hành vi khiến trẻ bị chấn thương tâm lý trước khi ngủ như quát mắt, dọa nạt, cho trẻ xem phim kinh dị hay kể những chuyện khiến trẻ sợ hãi,…
Theo An Chi/ Báo Phụ nữ Việt Nam
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/tre-day-som-va-day-muon-co-su-khac-biet-ro-rang-khi-lon-len-a603648.html