Về vấn đề này, tại khoản 2 Điều 41 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định về các trường hợp miễn gọi nhập ngũ. Cụ thể, những công dân sau đây sẽ được miễn gọi nhập ngũ:
Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng một; một anh hoặc một em trai của liệt sĩ; một con của thương binh hạng hai; một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân; Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật từ 24 tháng trở lên.
Như vậy, “có việc làm ổn định” không thuộc trường hợp được miễn nghĩa vụ quân sự. Do đó, trong trường hợp bạn có công việc ổn định, dù là tư nhân hay Nhà nước mà đủ điều kiện thực hiện nghĩa vụ quân sự thì sẽ vẫn phải đi nghĩa vụ quân sự.
Bên cạnh đó, có ý kiến thắc mắc "Những người có công việc ổn định nếu thực hiện nghĩa vụ quân sự, thì sau khi xuất ngũ sẽ được hỗ trợ gì trong vấn đề tìm kiếm công việc mới?".
Đối với thắc mắc này, trong Điều 8 Nghị định 27/2016/NĐ-CP quy định rõ và chi tiết về chế độ đào tạo, học nghề, giải quyết việc làm khi xuất ngũ.
Theo đó, hạ sĩ quan, binh sĩ trước khi nhập ngũ đang học tập hoặc có giấy gọi vào học tại các trường thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học thì được bảo lưu kết quả, tiếp nhận vào học ở những trường đó.
Còn trường hợp hạ sĩ quan, binh sĩ hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ, khi xuất ngũ nếu có nhu cầu đào tạo nghề và đủ điều kiện thì được hỗ trợ theo quy định tại Nghị định 61/2015/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.
Nếu hạ sĩ quan, binh sĩ trước khi nhập ngũ đang làm việc tại cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội thì khi xuất ngũ, cơ quan, tổ chức đó phải có trách nhiệm tiếp nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm thu nhập không thấp hơn trước khi nhập ngũ. Trường hợp cơ quan, tổ chức đó đã giải thể thì cấp trên trực tiếp có trách nhiệm bố trí việc làm phù hợp. Trường hợp cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp đó đã giải thể hoặc không có cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp thì Sở LĐ-TB-XH chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan Nhà nước có liên quan cùng cấp để giải quyết việc làm.
Với trường hợp hạ sĩ quan, binh sĩ trước khi nhập ngũ đang làm việc tại tổ chức kinh tế thì khi xuất ngũ tổ chức đó phải có trách nhiệm tiếp nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm tiền lương, tiền công tương xứng với vị trí và chế độ trước khi nhập ngũ.
Trong trường hợp tổ chức kinh tế đã chấm dứt hoạt động, giải thể hoặc phá sản thì việc giải quyết chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ được thực hiện như đối với người lao động của tổ chức kinh tế đó theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành. Và cơ quan bảo hiểm xã hội địa phương (nơi tổ chức kinh tế nói trên đóng bảo hiểm xã hội) chịu trách nhiệm thanh toán chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, hạ sĩ quan, binh sĩ được tiếp nhận vào làm việc tại các cơ quan Nhà nước, tổ chức, các cơ sở kinh tế thuộc các thành phần kinh tế được xếp lương theo công việc đảm nhiệm. Thời gian phục vụ tại ngũ được tính vào thời gian công tác và được hưởng chế độ, chính sách theo quy định hiện hành đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ sở kinh tế đó.
Hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ theo quy định tại khoản 1 Điều 43 và khoản 1 Điều 48 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, khi về địa phương sẽ được chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức ưu tiên sắp xếp việc làm và cộng điểm trong tuyển sinh, tuyển dụng công chức, viên chức. Trong thời gian tập sự được hưởng 100% mức lương và phụ cấp của ngạch tuyển dụng tương ứng với trình độ đào tạo.
Minh Hoa (t/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/dang-co-viec-lam-on-dinh-co-duoc-mien-nghia-vu-quan-su-a603726.html