Hà Nội
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, khu vực này có mây, đêm không mưa, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ, trưa chiều trời nắng. Gió nhẹ, đêm và sáng sớm trời rét.
Nhiệt độ thấp nhất: 17-19 độ.
Nhiệt độ cao nhất: 26-28 độ.
Phía Tây Bắc Bộ
Có mây, có mưa vài nơi, sáng sớm có nơi có sương mù và sương mù nhẹ, trưa chiều trời nắng, gió nhẹ. Đêm và sáng sớm trời rét.
Nhiệt độ thấp nhất: 15-18 độ, có nơi dưới 14 độ.
Nhiệt độ cao nhất: 25-28 độ, có nơi trên 28 độ.
Phía Đông Bắc Bộ
Dự báo thời tiết có mây, có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, trưa chiều trời nắng, gió nhẹ. Đêm và sáng sớm trời rét.
Nhiệt độ thấp nhất: 16-19 độ, vùng núi 13-16 độ, vùng núi cao có nơi dưới 12 độ.
Nhiệt độ cao nhất: 25-28 độ.
Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế
Có mây, có mưa vài nơi, phía bắc sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, trưa chiều trời nắng, gió nhẹ. Phía Bắc đêm và sáng trời rét.
Nhiệt độ thấp nhất: 18-21 độ.
Nhiệt độ cao nhất: 26-29 độ.
Đà Nẵng đến Bình Thuận
Có mây, có mưa rào và dông vài nơi, trưa chiều trời nắng. Gió đông bắc cấp 2 - 3.
Nhiệt độ thấp nhất phía Bắc: 21-23 độ, phía Nam 23-25 độ.
Nhiệt độ cao nhất: 28-31 độ, có nơi trên 31 độ.
Tây Nguyên
Thời tiết hôm nay có mây, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi, ngày nắng. Gió đông bắc cấp 2 - 3.
Nhiệt độ thấp nhất: 18-21 độ.
Nhiệt độ cao nhất: 27-30 độ.
Nam Bộ
Khu vực này thời tiết có mây, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi, ngày nắng. Gió đông bắc cấp 2 - 3.
Nhiệt độ thấp nhất: 23-26 độ.
Nhiệt độ cao nhất: 30-33 độ, có nơi trên 33 độ.
Bảo vệ sức khỏe trong những ngày không khí ô nhiễm
Đại Đoàn Kết dẫn nguồn theo WHO, ô nhiễm không khí hiện được xem là mối đe dọa sức khỏe môi trường lớn nhất thế giới. Một nửa dân số trên thế giới không được tiếp cận với nhiên liệu hoặc công nghệ sạch, 9/10 người trong số này đang phải hít không khí ô nhiễm, và có đến 7 triệu người bị giết chết mỗi năm vì ô nhiễm không khí.
Mức độ ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người là rất nghiêm trọng, tương đương với tác hại của việc hút thuốc lá, và cao hơn nhiều so với tác động từ thói quen ăn quá nhiều muối. Cụ thể, 1/3 số ca tử vong do đột quỵ, ung thư phổi và các bệnh tim mạch là do ô nhiễm không khí. Các chất ô nhiễm cực nhỏ trong không khí có thể lọt qua hệ thống miễn dịch của cơ thể, xâm nhập sâu vào hệ hô hấp và tuần hoàn, sau đó dần làm hỏng phổi, tim và não của con người.
Ô nhiễm không khí vừa là nguyên nhân hình thành, vừa là yếu tố làm trầm trọng thêm một số bệnh, từ hen suyễn cho đến bệnh tim mạch, ung thư phổi, phì đại tâm thất, bệnh Alzheimer và Parkinson, biến chứng tâm lý, tự kỷ, bệnh võng mạc... Các hạt bụi mịn và siêu mịn - một trong những thành phần chính của không khí ô nhiễm, đã được Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế xếp vào nhóm chất gây ung thư cho con người.
Theo lý giải từ giới chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến chất lượng không khí của Hà Nội và nhiều tỉnh miền Bắc bị ô nhiễm. Trong đó, 2 nguyên nhân chính đó là nguồn thải và thời tiết. Ở nguồn thải, chính khói bụi, khí thải từ các công trường xây dựng, phương tiện ô tô, xe máy và thói quen sinh hoạt, buôn bán, đốt than, rơm rạ của người dân là nguyên nhân tác động tới tình trạng ô nhiễm không khí.
Về nguyên nhân do thời tiết, các chuyên gia nhận định, miền Bắc hiện đang bước vào những ngày hanh, khô, ít gió nên lượng khí thải từ các nguồn thải thường xuyên bay lên bị “mắc kẹt” không thể phát tán hay bay hơi được, tạo ra hiện tượng nghịch nhiệt.
Bộ Y tế khuyến cáo, những ngày ô nhiễm không khí nghiêm trọng người dân nên hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt).
Vệ sinh mũi, súc họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Nên hạn chế mở cửa ở thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm. Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống. Hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga. Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí…
Trúc Chi (t/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/du-bao-thoi-tiet-ngay-9122023-ve-dem-nhiet-do-ha-rat-thap-a603762.html