Ngày 16/12, thời tiết bất ngờ “đảo chiều” khi nhiệt độ giảm sâu, trong khi chỉ một ngày trước đó nhiệt độ vẫn đang như mùa hè. Theo dự báo, đợt lạnh này, có nơi giảm dưới 10 độ C, đặc biệt ở miền núi xuống dưới 3 độ C. Theo các chuyên gia y tế, việc thời tiết thay đổi đột ngột khiến cơ thể không thích ứng được nên dễ gây nguy cơ mắc và tái phát nhiều bệnh lý nguy hiểm, trong đó cần đặc biệt chú ý đến 2 vấn đề là tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim.
Ths.BS Đoàn Dư Mạnh (thành viên Hội bệnh mạch máu Việt Nam) cho biết, việc thay đổi thời tiết đột ngột sẽ khiến cơ thể không thích nghi được, thậm chí sự chênh lệch giữa nhiệt độ trong nhà và ngoài trời cũng có thể khiến cơ thể mất cân bằng và dễ mắc bệnh.
Bác sĩ Mạnh cho biết, khi thời tiết lạnh, nguy cơ bị tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim dễ xảy ra. Ảnh: BSCC.
Theo bác sĩ Mạnh, khi trời lạnh, trong cơ thể dễ xảy ra sự mất cơ bằng nhiệt độ đột ngột và gây ra cơ chế co thắt của mạch máu, dễ hình thành cục máu đông gây nhồi máu cơ tim. Ngoài ra, tình trạng này còn làm tăng áp lực trong hệ thống mạch máu, tăng huyết áp đột ngột có thể làm vỡ mạch máu nhỏ trong não, dẫn tới xuất huyết não. Việc lạnh đột ngột còn có thể dẫn tới tắc mạch vành, gây nhồi máu cơ tim. Khi gặp phải những vấn đề trên đều rất nguy hiểm, có thể để lại di chứng bị yếu liệt, di chứng thần kinh và nguy hiểm hơn nữa là tỉ lệ tử vong khi gặp phải các vấn đề trên là rất cao nếu không được phát hiện, đưa đi cấp cứu kịp thời.
Số liệu thống kê cho thấy, bệnh nhân bị tai biến mạch máu não tăng 20% trong mùa đông so với các mùa khác, trong đó thường xảy ra vào buổi đêm, sáng sớm khi nhiệt độ xuống thấp.
Không chỉ người cao tuổi, người trẻ nguy cơ đổ bệnh khi trời lạnh và có nguy cơ tử vong cao. Ảnh: BSCC.
Ngoài những vấn đề trên, bác sĩ Mạnh lưu một bệnh lý khác cũng có thể xảy ra vào mùa đông là huyết khối tĩnh mạch sâu hình thành do chúng ta ít uống nước.
Từ những vấn đề trên, bác sĩ Mạnh cảnh báo một số đối tượng cần lưu ý trong mùa đông nói chung và khi thời tiết thay đổi đột ngột nói riêng. Đó là những người có nguy cơ cao bị tai biến như người cao tuổi, người có bệnh lý nền về tăng huyết áp, tiểu đường, suy giãn tĩnh mạch, béo phì, rối loạn chuyển hóa lipid máu, thường xuyên sử dụng thuốc lá rượu bia…
Các dấu hiệu nhận biết tai biến mạch máu não thông thường dựa theo nguyên tắc F.A.S.T:
- F (Face - Khuôn mặt): Người bệnh có dấu hiệu chảy xệ và méo một bên mặt, mí mắt sụp xuống.
- A (Arm - Cánh tay): Một bên tay hoặc một bên cơ thể yếu và tê liệt, không thể cùng lúc nâng hai tay lên cao khỏi đầu, nâng thẳng tay.
- S (Speech - Lời nói): Biểu hiện nói lắp, nói khó hiểu, khó nói hết một câu hoàn chỉnh.
- T (Time - Thời gian): Khi thấy một người có một hoặc nhiều dấu hiệu giống với mô tả, cần hành động ngay lập tức để giúp người bệnh được cấp cứu kịp thời.
Ngoài ra, với các bệnh lý tim mạch như nhồi máu cơ tim, nhồi máu động mạch phổi… bác sĩ Mạnh tư vấn cần lưu ý đến các biểu hiện đau ngực, cơn đau có thể lan ra sau lưng hoặc lên vai bên trái.
Để phòng bệnh, bác sĩ Mạnh khuyến cáo mọi người cần duy trì sự ấm áp, ổn định nhiệt độ cơ thể, nhất là người cao tuổi, người có bệnh lý nền như đã nói trên. Hạn chế ra ngoài trời lạnh đột ngột vào buổi đêm và sáng sớm, có thể chuẩn bị dụng cụ vệ sinh trong nhà vào buổi đêm, không đi tập thể dục quá sớm. Ngoài ra, cần quản lý bệnh nền theo hướng dẫn của bác sĩ, bổ sung nước và dinh dưỡng đầy đủ.
Người trẻ cũng không tắm quá muộn, không tắm nước lạnh, tránh uống rượu bia khi ra ngoài trời vì rượu làm giãn nở mạch máu, khiến cơ thể cảm thấy ấm hơn, trong khi thực sự lấy đi nguồn nhiệt ra khỏi các cơ quan quan trọng. Trường hợp thấy có các biểu hiện như đột quỵ não, nhồi máu cơ tim cần đến ngay cơ sở gần nhất để được cấp cứu, tránh nguy cơ tử vong.
LÊ PHƯƠNG.