Chậm nộp phạt vi phạm giao thông sẽ bị tính lãi
Căn cứ tại khoản 1 Điều 73 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2020 quy định về thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính: Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.
Đồng thời, thời hiệu thi hành quyết định xử phạt hành chính được quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, cụ thể: Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là một năm, kể từ ngày ra quyết định, quá thời hạn này thì không thi hành quyết định đó nữa, trừ trường hợp quyết định xử phạt có áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn phải tịch thu tang vật, phương tiện, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 5 Thông tư 18/2023/TT-BTC quy định về Thủ tục thu tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính như sau: Quá thời hạn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 2 Điều 68 và khoản 1 Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức chưa nộp tiền phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
Số ngày chậm nộp tiền phạt bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo chế độ quy định và được tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp tiền phạt đến trước ngày cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nộp tiền phạt vào ngân sách nhà nước.
Như vậy, khi quá thời hạn nộp phạt được ghi nhận trên quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 10 ngày (bao gồm cả ngày nghỉ và ngày lễ), người dân sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt.
Ngoài ra, cứ mỗi ngày chậm nộp phạt người dân phải nộp thêm 0.05% trên tổng số tiền nộp phạt.
Chậm nộp tiền phạt vi phạm giao thông có bị tịch thu bằng lái không?
Căn cứ tại khoản 4 Điều 126 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 được sửa đổi bởi điểm b khoản 65 Điều 1 sửa đổi bổ sung năm 2020 quy định về xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính như sau:
Đối với xe: Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 125 của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 khi hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không thi hành quyết định xử phạt thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt, người có thẩm quyền tạm giữ phải chuyển tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cho người có thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt để quyết định việc kê biên, bán đấu giá theo quy định của pháp luật để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt.
Đối với bằng lái xe: Đối với giấy phép, chứng chỉ hành nghề đã quá thời hạn tạm giữ hoặc hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ hoặc hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt, người có thẩm quyền tạm giữ phải chuyển cho cơ quan đã cấp các loại giấy tờ đó để tiến hành việc thu hồi theo quy định của pháp luật và thông báo cho người vi phạm biết.
Xe và bằng lái sẽ được xử lý thế nào nếu người dân không đến lấy lại?
Nếu hết thời hạn tạm giữ vẫn không nộp phạt để lấy lại giấy phép lái xe; thì cơ quan có thẩm quyền sẽ xử lý tang vật theo Điều 17 Nghị định 138/2021/NĐ-CP.
Cụ thể, việc xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề hết thời hạn tạm giữ được thực hiện theo quy định tại các khoản 4, 4a và khoản 4b Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
Người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề có trách nhiệm tiếp tục quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề khi đã quá thời hạn tạm giữ mà người vi phạm chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận hoặc không xác định được người vi phạm và trong thời gian thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng cho đến khi tang vật, phương tiện đó bị tịch thu, xử lý theo quy định; giấy phép, chứng chỉ hành nghề được chuyển cho cơ quan có thẩm quyền để thu hồi theo quy định của pháp luật.
Sau khi tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã có quyết định tịch thu của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thì được xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Tuệ Minh
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nhung-dieu-ban-can-biet-neu-cham-nop-phat-vi-pham-giao-thong-a605294.html