Thấy con sơ sinh khóc đau đớn, mẹ nhìn tai em bé mà giận bà nội, vội đưa đi bác sĩ

Sau khi đưa con đi bác sĩ trở về, người mẹ đã đưa ra "lệnh cấm" mọi người trong gia đình ở một mình với đứa trẻ.

So với các bé trai thì các bé gái được ưu ái hơn ở một đặc điểm đó chính là được bấm lỗ tai và đeo khuyên tai cho thêm phần xinh đẹp. Thậm chí ở một số quốc gia, tục lệ xỏ khuyên tai cho bé đã trở thành truyền thống. Tuy nhiên việc này nên được thực hiện từ khi nào và như thế nào, có nên là ở giai đoạn trẻ sơ sinh hay không thì vẫn đang gây nhiều tranh cãi.

Câu chuyện được chia sẻ khi một người phụ nữ mới đây đã lên mạng xã hội Reddit than thở chuyện mẹ chồng cô tự ý xỏ khuyên tai cho cháu gái mà không được sự đồng ý của bố mẹ bé. Cụ thể từ khi cháu sơ sinh mới vài ngày tuổi, bà nội đã ngỏ ý về việc xỏ lỗ tai cho đứa trẻ vì thực ra đây cũng là văn hóa địa phương nơi gia đình đang sinh sống. Tuy nhiên bà mẹ bỉm sữa từ chối ngay việc này và khẳng định "tôi sẽ đợi cho đến khi con bé đủ lớn, nếu con muốn tôi sẽ làm".

Ảnh minh họa

Thế nhưng bà mẹ bỉm sữa không ngờ rằng, bà nội không nhận được sự đồng ý của con trai, con dâu đã tự ý thực hiện việc xỏ lỗ tai cho cháu nội khi không có ai ở nhà. Và kết quả, người mẹ phát hiện con sơ sinh của mình liên tục khóc trong đau đơn. Nhìn tai đứa trẻ chị đã hiểu ra được lý do vì sao em bé lại phản ứng như vậy nên đã lập tức đưa cháu bé đến bác sĩ để xin lời khuyên.

"Bác sĩ gia đình của chúng tôi đã nhanh chóng lấy chúng ra vì rõ ràng con bé đang thấy khó chịu" - bà mẹ cho hay.

Giận mẹ chồng tự ý làm việc không tốt cho con sơ sinh, mẹ bỉm sữa đã cấm tất cả các thành viên trong gia đình không được phép ở bên cạnh đứa trẻ sơ sinh mà không có mặt người mẹ. Thậm chí bà mẹ sẵn sàng gọi báo cảnh sát nếu mẹ chồng của cô một lần nữa tự ý làm việc gì với cháu mà không nhận được sự đồng ý của mẹ đứa trẻ.

Chia sẻ của bà mẹ bỉm sữa nhận được rất nhiều sự quan tâm của mọi người bà mẹ và phần đông đồng tình với cách làm của cô.

Thực tế như đã nói ở trên, xỏ khuyên tai cho trẻ một phần là đam mê làm đẹp của các bậc cha mẹ dành cho con nhưng một phần cũng là phong tục tập quán ở một số địa phương trong một số quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên vấn đề ở đây là nên xỏ cho bé thời điểm nào và trẻ sơ sinh thì có nên được xỏ lỗ tai hay không?

Bác sĩ Gu, phó giám đốc bệnh viện nhân dân Thương Châu, tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc), bày tỏ quan điểm: "Xỏ lỗ tai cho trẻ sơ sinh là sai, trẻ em khi còn nhỏ cũng cảm thấy đau, nhưng chúng không thể diễn tả được".

Ông nói thêm, nhiều bà mẹ hoặc bậc cha mẹ thời nay sẽ xỏ lỗ tai cho con do phong tục, nhưng việc xỏ lỗ tai cho con sơ sinh và trẻ nhỏ là không phù hợp. Vì trẻ còn nhỏ, sức chịu đựng kém nên khi đối mặt với cảnh xỏ lỗ tai, trẻ rất dễ khóc, sợ hãi, hơn nữa nếu vết thương của trẻ không được chăm sóc đúng cách sẽ dễ bị viêm nhiễm.

Vậy em bé bao nhiêu tuổi thì nên thực hiện việc này?

Bác sĩ đề cập, khi tiêm vắc xin cho trẻ, vì trẻ còn rất nhỏ nên họ sử dụng ống tiêm nhỏ và kim tiêm nhỏ phù hợp với trẻ để tiêm vắc xin. Tuy nhiên, ngay cả một lỗ nhỏ như vết kim châm cũng có thể gây nhiễm trùng, chảy máu, mưng mủ và các hiện tượng khác ở nhiều trẻ sơ sinh.

Trên thực tế, xỏ lỗ tai là một tiểu phẫu tương đối nhỏ, nhiều trường hợp có thể gây viêm tai, nhiễm trùng, tấy đỏ, sưng tấy, thậm chí là loét do chăm sóc không đúng cách.

Tiến sĩ Si Wansong từ Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ cho rằng: “Hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh nên bất kỳ tổn thương nào trên da đều có thể gây nhiễm trùng. Vì vậy, tôi khuyên bạn nên cân nhắc việc xỏ lỗ tai sớm nhất là sau khi trẻ được 6 tháng tuổi.”

Vì vậy, cha mẹ được khuyên không nên xỏ lỗ tai cho trẻ sơ sinh. Nếu do tín ngưỡng hoặc phong tục thì có thể đợi đến 6 tháng sau, nếu không thì nên đợi trẻ lớn lên và để trẻ quyết định có nên xỏ lỗ tai hay không.

Các bước an toàn khi xỏ khuyên tai cho bé

Quá trình xỏ khuyên cho em bé có thể tương tự như quá trình của người lớn. Dưới đây các bước thực hiện:

Bước 1: Kỹ thuật viên hoặc bác sĩ làm sạch vùng xỏ khuyên bằng cồn hoặc bất kỳ chất khử trùng da nào khác. Để giữ vệ sinh và tính chuyên nghiệp, kỹ thuật viên hoặc bác sĩ phải đeo găng tay phẫu thuật khi xỏ lỗ tai.

Bước 2: Việc xỏ khuyên có thể được thực hiện bằng chày kim hoặc súng xỏ khuyên. Nó phụ thuộc vào sở thích của cha mẹ và những gì chuyên gia xỏ khuyên khuyên dùng. Cả hai đều có thể gây đau, nhưng chỉ trong quá trình xỏ khuyên, chỉ diễn ra trong vài phút.

Bước 3: Sau khi xỏ lỗ tai xong, họ sẽ đeo bông tai kim loại để tránh việc xỏ lỗ tai bị đóng lại và đọng lại lâu. Vàng là kim loại được lựa chọn vì đặc tính không gây dị ứng, sẽ không làm trầm trọng thêm vết đỏ, sưng tấy và viêm nhẹ hiện có. Tốt nhất là vàng nguyên chất 999, nhưng một giải pháp thay thế cho vàng là sử dụng thép phẫu thuật không chứa niken.

Bước 4: Bôi thuốc sát trùng lên vị trí đâm kim. Kỹ thuật viên hoặc bác sĩ sẽ yêu cầu bố mẹ khử trùng lỗ xỏ khuyên hai lần một ngày trong một tuần. Trong 6 tuần tiếp theo, bố mẹ sẽ cần giúp con đổi bông tai liên tục.

Xỏ lỗ tai có ảnh hưởng gì đến trẻ em?

Nếu cha mẹ xỏ lỗ tai cho trẻ sơ sinh thì rất có thể trẻ yếu, một số bị dị ứng, có thể gây nhiễm trùng da, viêm, đau, tấy đỏ, sưng tấy và có mủ.

Bé sẽ khó chịu về thể chất, quấy khóc, chán ăn... Điều này có thể dẫn đến các triệu chứng nhiễm trùng nghiêm trọng hơn.

Sau khi xỏ lỗ tai cho bé cần chú ý điều gì?

Sau khi xỏ lỗ tai cho bé, ngoài việc chăm sóc hàng ngày thì điều quan trọng nhất chính là sự an toàn. Bởi vì bé còn quá nhỏ và có nhiều tính tò mò khi bé cảm thấy có vật gì đó trên tai nhỏ của mình hoặc vô tình chạm vào khuyên tai. Bé sẽ tò mò xem đó là gì và muốn tháo khuyên tai ra để xem, thậm chí có thể kéo tai đến mức đau và chảy máu. Nếu bé tháo bông tai ra và cho vào miệng thì còn nguy hiểm hơn.

CHI CHI

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/thay-con-so-sinh-khoc-dau-don-me-nhin-tai-em-be-ma-gian-ba-noi-voi-dua-di-bac-si-a605971.html