Phân biệt pháo nổ và pháo hoa
Theo Khoản 1 Điều 3 Nghị định 137/2020/NĐ-CP:
- Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian.
- Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ. Pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn hơn 90mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120m. Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kính trên 90mm hoặc tầm bắn trên 120m.
- Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.
Người dân có được phép sử dụng pháo hoa trong ngày Tết?
Điều 11 Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định về các trường hợp tổ chức bắn pháo hoa nổ như sau:
Tết Nguyên đán
- Các thành phố trực thuộc Trung ương và tỉnh Thừa Thiên-Huế được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút; các tỉnh còn lại được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút.
- Thời gian bắn vào thời điểm giao thừa Tết Nguyên đán.
Bên cạnh đó, Điều 17 Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định về sử dụng pháo hoa như sau:
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Theo đó, loại pháo hoa nổ chỉ do các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sử dụng và phải xin phép Thủ tướng chính phủ, còn người dân chỉ được sử dụng trong dịp tết, cưới hỏi, sinh nhật,… các loại pháo hoa thông thường được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.
Mức phạt đối với hành vi đốt pháo trái phép
Điều 11, Nghị định 144/CP/2022 nêu rõ, phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với một trong những hành vi: Trao đổi, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, công cụ hỗ trợ, pháo hoa nổ, pháo hoa nhập lậu hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; Sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép.
Bên cạnh đó, Nghị định 144/CP cũng quy định mức phạt với các vi phạm về quản lý, sử dụng pháo khác. Cụ thể, phạt tiền từ 1-2 triệu đồng với hành vi lưu hành các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo không còn giá trị sử dụng.
Mức phạt tiền sẽ tăng lên, từ 2 - 5 triệu đồng đối với một trong những hành vi: Chiếm đoạt, trao đổi, mua, bán, cho, tặng, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố, các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo;
Làm giả các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo; Che giấu, giúp người khác hoặc không tố giác hành vi chế tạo, sản xuất, mang, mua, bán, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc hủy hoại vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo;
Mất giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo; Tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo...
Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo.
Đặc biệt, mức phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi mang trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hoặc mang vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.
Ngoài phạt tiền, tổ chức cá nhân vi phạm còn phải bị xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, tước quyền sử dụng Giấy phép sử dụng, Giấy xác nhận đăng ký vũ khí, công cụ hỗ trợ từ 3-6 tháng, tước quyền sử dụng giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, công cụ hỗ trợ, pháo hoa từ 9-12 tháng.
Đồng thời, các tổ chức cá nhân này phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả như buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; Buộc nộp lại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo…
Như vậy, mức xử phạt hành chính đối với hành vi đốt pháo trái phép là từ 5 - 10 triệu đồng.
Mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm về quản lý, sử dụng pháo được nêu trên áp dụng đối với cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (Theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
Minh Hoa (t/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/ngay-tet-dot-phao-kieu-nay-co-the-bi-phat-den-10-trieu-dong-a606179.html