Không ít doanh nghiệp cho người lao động nghỉ Tết quá nhiều ngày, thậm chí kéo dài cả tháng rưỡi. Từ đây, nhiều người thắc mắc là điều này có vi phạm Bộ luật Lao động, cũng như trong thời gian nghỉ Tết quá nhiều ngày như vậy thì người lao động có được hưởng lương hay không?
Theo điểm b, khoản 1, Điều 112 Bộ Luật Lao động, vào dịp Tết Âm lịch, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong 5 ngày làm việc. Do đó, người sử dụng lao động có trách nhiệm phải đảm bảo quyền lợi này cho người lao động của mình.
Bên cạnh đó, Nhà nước vẫn luôn khuyến khích những thỏa thuận bảo đảm cho người lao động có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động (quy định tại khoản 1 Điều 4 Bộ Luật Lao động 2019).
Như vậy, việc công ty cho người lao động nghỉ Tết dài hơn quy định sẽ không bị coi là trái luật.
Tuy nhiên, khi cho người lao động nghỉ Tết dài hơn quy định, người sử dụng lao động và người lao động cần có sự thỏa thuận rõ ràng về vấn đề tiền lương trong thời gian nghỉ để đảm bảo thu nhập cho người lao động cũng như tránh những tranh chấp sau này.
Căn cứ điểm b, khoản 1, Điều 112 Bộ Luật Lao động năm 2019, trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán, người lao động được đảm bảo quyền lợi nghỉ làm hưởng nguyên lương 5 ngày làm việc. Do đó, khi công ty cho nghỉ dài hơn quy định thì người lao động sẽ được đảm bảo ít nhất 5 ngày lương, còn tiền lương trong những ngày nghỉ vượt quá thời gian nghỉ Tết quy định thì được xác định như sau:
Trường hợp có thỏa thuận riêng về tiền lương trong những ngày nghỉ vượt quá thời gian quy định thì thực hiện theo thỏa thuận trước đó giữa người lao động và người sử dụng lao động. Thực tế, nhiều công ty thường thỏa thuận nghỉ không hưởng lương hoặc tính trừ cố ngày phép còn dư trong năm trước của người lao động hoặc thỏa thuận thêm về một số tiền hỗ trợ nhất định trong thời gian nghỉ.
Trường hợp không có thỏa thuận nào khác thì trường hợp nghỉ Tết dài hơn so với quy định thì thời gian vượt quá sẽ được tính là thời gian ngừng việc. Tiền lương trong thời gian này sẽ được xác định theo Điều 99 Bộ Luật Lao động 2019 như sau:
- Nếu công ty tự ý cho nghỉ thì phải trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày người lao động không được làm việc (theo khoản 1, Điều 99 Bộ Luật Lao động 2019).
- Nếu công ty gặp sự cố về điện, nước hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế nên phải cho người lao động nghỉ Tết dài hơn quy định thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:
Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống: Tiền lương trả cho người lao động do các bên thỏa thuận không thấp hơn lương tối thiểu.
Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc: Tiền lương trả cho người lao động do các bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn lương tối thiểu.
Nếu doanh nghiệp vi phạm quyền lợi của người lao động về trả lương trong thời gian nghỉ Tết, người lao động có thể yêu cầu doanh nghiệp giải quyết theo thỏa thuận hoặc theo quy trình giải quyết tranh chấp lao động. Người lao động cũng có thể khởi kiện doanh nghiệp ra tòa án để bảo vệ quyền lợi của mình. Và trong quá trình giải quyết tranh chấp, người lao động có thể nhờ sự hỗ trợ của tổ chức công đoàn, luật sư hoặc các tổ chức xã hội khác. Người lao động cũng có thể yêu cầu doanh nghiệp bồi thường thiệt hại nếu có.
Minh Hoa (t/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/cong-ty-cho-nghi-tet-dai-hon-quy-dinh-nld-co-duoc-huong-luong-a606272.html