Ngày 6/2, Thanh tra Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết, vừa công bố danh sách xử phạt hành chính các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực dược, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế vi phạm trong tháng 01/2024.
Theo đó, công ty Cổ phần C13 Beauty (số 17 đường B4, phường An Lợi Đông, thành phố Thủ Đức) bị phạt 70 triệu đồng và buộc thu hồi và loại bỏ yếu tố vi phạm (Trường hợp không loại bỏ yếu tố vi phạm thì buộc tiêu hủy sản phẩm). Đơn vị này đã thực hiện thông tin, quảng cáo, tiếp thị, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng thực phẩm, mỹ phẩm và các sản phẩm khác không phải là thuốc có tác dụng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán, điều trị, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người khiến người tiêu dùng hiểu nhầm các sản phẩm đó là thuốc, trừ trang thiết bị y tế.
Công ty TNHH Salacos (D3/492K Vườn Thơm, Bình Lợi, huyện Bình Chánh) đã thực hiện quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định; Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, lưu giữ, buôn bán hàng hóa có nhãn (kể cả nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện theo tính chất hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa; Sản xuất mỹ phẩm có công thức không đúng như hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm (Sản phẩm mỹ phẩm THE HAIR MILK PERFUME 100ML LAM THẢO HAIR CARE PRODUCTS Ghi thừa các thành phần Tussilago Farfara Flower Extract, Achillea Millefolium Extract, Cinchona Succirubra Bark Extract, Allantoin, Polysorbate 20, DMDM Hydantoin; ghi thiếu các thành phần Alcohol, Glycerin, Hydrolyzed Keratin, Butylene Glycol, Phenoxyethanol, Polysorbate 80, Milk).
Do các sai phạm trên, công ty Salacos phải nộp phạt 123.500.000 đồng và bị buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc buộc thu hồi xuất bản phẩm, tạp chí in quảng cáo; Buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ. Đồng thời, Thanh tra sở Y tế TP. HCM còn buộc công ty trên nộp lại số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm; Buộc thu hồi hàng hóa và buộc ghi nhãn hàng hóa đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông.
Cùng đợt này, Công ty TNHH Mỹ phẩm Dạ Thảo Lan (37 đường số 4, Khu dân cư Cityland, phường 5, quận Gò Vấp) bị xử phạt tới 82,5 triệu đồng và buộc nộp lại số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm số 003167/23/CBMP-HCM do Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 26 tháng 7 năm 2023; Buộc thu hồi và tiêu hủy toàn bộ sản phẩm mỹ phẩm CONDITIONER nhãn hàng INTASILK.
Cơ quan chức năng cho biết, Mỹ phẩm Dạ Thảo Lan đã thực hiện hàng loạt các sai phạm như sản xuất mỹ phẩm có công thức không đúng như hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm (Nhãn sản phẩm mỹ phẩm CONDITIONER nhãn hàng INTASILK ghi thiếu thành phần "Collagen" so với Phiếu Công bố sản phẩm mỹ phẩm đã được cấp); Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, lưu giữ, buôn bán hàng hóa có nhãn (kể cả nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện theo tính chất hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa.
Công ty TNHH MTV Thương mại Xuất nhập khẩu Obagi Việt Nam (12-12A Núi Thành, phường 13, quận Tân Bình) bị xử phạt 70 triệu đồng và buộc thu hồi và loại bỏ yếu tố vi phạm (Trường hợp không loại bỏ yếu tố vi phạm thì buộc tiêu hủy sản phẩm) do thông tin, quảng cáo, tiếp thị, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng thực phẩm, mỹ phẩm và các sản phẩm khác không phải là thuốc có tác dụng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán, điều trị, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người khiến người tiêu dùng hiểu nhầm các sản phẩm đó là thuốc, trừ trang thiết bị y tế.
Nhà thuốc Mỹ Phước (166 Nguyễn Hoàng, phường An Phú, thành phố Thủ Đức) bị xử phạt 32,5 triệu đồng do hành nghề dược mà không có chứng chỉ hành nghề dược; Mua bán thuốc không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược.
Nhà thuốc số 27 (73B Thuận Kiều, phường 12, quận 5) không thực hiện báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất hoặc báo cáo theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; Để lẫn sản phẩm không phải là thuốc cùng với thuốc; Lưu trữ, bán lẻ thuốc không đúng với phạm vi ghi trong giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược; Bảo quản thuốc không đúng điều kiện nhiệt độ bảo quản ghi trên nhãn thuốc; Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Theo đó, Thanh tra sở Y tế xử phạt cơ sở này 31 triệu đồng và buộc tiêu hủy thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Công ty CP Sản xuất dược mỹ phẩm Hataphaco (73 Trịnh Đình Thảo, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú) bị đình chỉ hoạt động sản xuất mỹ phẩm cho đến khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm theo quy định của pháp luật nhưng không quá 24 tháng do sản xuất mỹ phẩm khi chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm. Đồng thời, công ty này còn bị xử phạt 90 triệu đồng.
Nhà thuốc Hoa Tâm (87 đường số 3, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân) bị buộc tiêu hủy thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ và xử phạt 42,8 triệu đồng do bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc; Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; Người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở bán lẻ thuốc vắng mặt trong thời gian hoạt động của cơ sở dược; Không thực hiện báo cáo định kỳ theo quy định của pháp luật; Không có biện pháp cách ly hoặc để ở khu vực biệt trữ đối với thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Nhà thuốc Lữ Gia (89 Nguyễn Thị Nhỏ, Phường 9, quận Tân Bình) không lưu giữ chứng từ, tài liệu có liên quan đến lô thuốc trong thời gian phải lưu giữ theo quy định của pháp luật; Không có biện pháp cách ly hoặc để ở khu vực biệt trữ đối với thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ nên bị xử phạt 18 triệu đồng.
Nhà thuốc Á Châu 3 (540 Nguyễn Thị Định, phường Thạnh Mỹ Lợi, thành phố Thủ Đức) bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc nên bị phạt 15 triệu đồng.
Nhà thuốc Pharmacity số 37 (249 Nguyễn Thiện Thuật, Phường 1, Quận 3) bị xử phạt 30 triệu đồng do bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc.
Đặc biệt, công ty TNHH MTV SX và TM Mỹ Phẩm Lê Vân (2B31/1 Ấp 2, Xã Phạm Văn Hai, Huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh) bị xử phạt tới 200 triệu đồng do hàng loạt các sai phạm như không bảo đảm một trong các điều kiện sau khi đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm theo quy định của pháp luật; Kinh doanh hàng hóa trên nhãn có hình ảnh, hình vẽ, chữ viết, dấu hiệu, biểu tượng, huy chương, giải thưởng và các thông tin khác không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó; Thông tin, quảng cáo, tiếp thị, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng thực phẩm, mỹ phẩm và các sản phẩm khác không phải là thuốc có tác dụng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán, điều trị, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người khiến người tiêu dùng hiểu nhầm các sản phẩm đó là thuốc.
Theo đó, Thanh tra sở Y tế TP. HCM đã áp dụng loạt biện pháp xử phạt bổ sung đối với đơn vị này như tước quyền sử dụng Giấy Chứng nhận Đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm 02 tháng; Buộc nộp lại số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm số 001715/21/CBMP-HCM đã được Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 25 tháng 5 năm 2021; Buộc thu hồi và tiêu hủy toàn bộ sản phẩm mỹ phẩm DẦU MASSAGE ĐẠI LỰC HOÀNG, NSX 22/11/2023, HSD 22/11/2026, LO 01; Buộc thu hồi hàng hóa và buộc loại bỏ hình ảnh, chữ viết, dấu hiệu, biểu tượng, huy chương, giải thưởng và các thông tin không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó.
Công ty TNHH Dược Mỹ Phẩm Nhật Hàn (366/11 Lê Văn Quới, Khu phố 11, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân) đã sản xuất mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng (Sản phẩm mỹ phẩm BAMOO CLEANSING FOAM COLLAGEN - Tuýp 150ml, Số lô: 01; NSX: 03062022; HSD: 03062025 không đáp ứng yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu giới hạn vi sinh vật trong mỹ phẩm). Do đó, cơ quan chức năng xử phạt Dược Mỹ Phẩm Nhật Hàn 70 triệu đồng và buộc thu hồi và tiêu hủy toàn bộ sản phẩm mỹ phẩm nêu trên.
Cùng sai phạm với sản phẩm mỹ phẩm BAMOO CLEANSING FOAM COLLAGEN - Tuýp 150ml nêu trên, công Ty TNHH Sản Xuất Thương Mại Ngọc Khải (Căn A5-21F Khu phức hợp Căn hộ Hoàng Kim Thế Gia, số 31 Trương Phước Phan, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) bị xử phạt 50 triệu đồng do kinh doanh mỹ phẩm không bảo đảm chất lượng, không an toàn cho người sử dụng.
Công ty Cổ phần dược phẩm An Khang Pharma (128 Trần Quang Khải, phường Tân Định, Quận 1) phải nộp phạt 30 triệu đồng do bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc.
Do giả mạo một trong các giấy tờ hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề dược nên bà Nguyễn Thị Hướng (123/6 Phan Văn Hớn, Xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) bị phạt 7,5 triệu đồng.
Nhà thuốc Long Châu 151 (174 Nguyễn Thiện Thuật, phường 3, quận 3) đã bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc nên phải nộp phạt 30 triệu đồng.
Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển XNK Thịnh Phát (9 đường số 4 KDC Conic xã Phong Phú, huyện Bình Chánh) đã sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, lưu giữ, buôn bán hàng hóa có nhãn (kể cả nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện theo tính chất hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa.
Theo đó, Thanh tra Sở Y tế TP. HCM xử phạt đơn vị này 27,5 triệu đồng và buộc thu hồi hàng hóa và buộc ghi nhãn hàng hóa đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông; Buộc nộp lại số tiền 57.334.860 đồng bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định pháp luật.
Thạch Thảo
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/tphcm-hang-loat-cong-ty-my-pham-nha-thuoc-bi-xu-phat-a606275.html