Doanh thu tăng trưởng cao, lợi nhuận giảm mạnh 68%
Theo báo cáo tài chính năm 2023, LPT ghi nhận doanh thu thuần 346,7 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ. Do giá vốn hàng bán ở mức hơn 336 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp của công ty ở mức 10,6 tỷ đồng, chỉ bằng một nửa năm trước.
So với năm 2022, doanh thu hoạt động tài chính tăng gấp 3 khi thu về 659,6 triệu đồng; chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp được tiết giảm lần lượt 46% và 16%, tương đương 1,8 tỷ đồng và 5,4 tỷ đồng. Thế nhưng điều này vẫn không đủ “kéo lại” lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh khi chỉ lãi 3,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 10,8 tỷ đồng.
Kết quả hoạt động kinh doanh năm 2023 của LPT. Nguồn: BCTC
Bên cạnh đó, LPT cũng ghi nhận khoản thu nhập khác tăng từ 81,2 triệu đồng lên 517,7 triệu đồng, chủ yếu nhờ lãi thanh lý, nhượng bán tài sản cố định, bất động sản đầu tư hơn 466,6 triệu đồng.
Trừ đi thuế và các chi phí khác, công ty báo cáo lãi ròng 3,1 tỷ đồng, giảm tới 68% so với khoản lợi nhuận 9,5 tỷ đồng cùng kỳ. Đây là năm thứ 3 liên tiếp LPT ghi nhận doanh thu ngày càng tăng cao, thế nhưng ngược lại, lợi nhuận ngày càng “đi lùi”.
Lý giải nguyên nhân, LPT cho rằng chủ yếu do áp dụng Thông tư số 04/2022/TT-BGTVT ngày 22/04/2022, lượng học viên tồn từ năm trước chuyển sang không đáng kể, cũng như học viên khó sắp xếp thời gian học, tổ chức lớp thường vị kéo dài, công ty cũng bị dừng đào tạo tháng 6,7,8 năm 2023 nên ảnh hưởng nhiều đến doanh thu của lĩnh vực dịch vụ đào tạo lái xe.
Ngoài ra, dù các mảng kinh doanh khác giúp doanh thu công ty tăng cao hơn năm trước nhưng chưa đủ bù lỗ cho hoạt động đào tạo, dẫn đến lợi nhuận thấp hơn so với năm 2022.
Kết quả kinh doanh của LPT giai đoạn 2020 – 2023.
Quỹ nợ “phình to”, dòng tiền thuần âm hơn 20 tỷ đồng
Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của LPT tăng gần gấp đôi, từ 166,4 tỷ đồng đầu năm lên 283,1 tỷ đồng, chủ yếu là tài sản ngắn hạn chiếm 90%, tương ứng hơn 254 tỷ đồng. Đáng chú ý, hàng tồn kho cũng tăng mạnh 91% lên mức 78,9 tỷ đồng, chủ yếu là hàng hóa 76,9 tỷ đồng.
Các khoản phải thu ngắn hạn khác cũng tăng đột biến từ 97,6 tỷ đồng lên 165,4 tỷ đồng. Nổi bật trong đây là khoản phải thu từ công ty TNHH MTV Dịch vụ và Thương mại Hưng Thịnh 85,1 tỷ đồng, CTCP Dịch vụ và Vật liệu xây dựng Toàn Thắng 40,1 tỷ đồng và CTCP Đầu tư và Xuất Nhập khẩu Red Ocean Việt Nam 33,6 tỷ đồng, còn lại là các khách hàng khác.
Ngoài ra, các khoản trả trước cho người bán ngắn hạn cũng tăng mạnh từ 425,6 triệu đồng lên 6,1 tỷ đồng, chủ yếu là khoản trả trước cho CTCP Thương mại Dịch vụ HTP Lộc Phát 5,4 tỷ đồng.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, quỹ nợ của LPT “tăng vọt” lên mức 140,4 tỷ đồng, trong khi đầu năm chỉ ở mức 20,7 tỷ đồng, phần lớn là nợ ngắn hạn hơn 139 tỷ đồng, chiếm 99%. Trong đây chủ yếu là các khoản phải trả người bán ngắn hạn 124,8 tỷ đồng, bao gồm 82,2 tỷ đồng phải trả CTCP Tập đoàn Nhựa Bình Thuận, 24,7 tỷ đồng phải trả CTCP Đại Kim… và các khoản phải trả các nhà cung cấp khác.
Nguồn vốn chủ sở hữu giảm nhẹ so với số đầu năm, về mức 142,6 tỷ đồng. Như vậy, tổng cộng nguồn vốn của LPT cuối năm 2023 tăng lên 283,1 tỷ đồng, trong khi đầu năm chỉ ghi nhận 166,4 tỷ đồng.
Ngoài kết quả kinh doanh trong năm 2023, tình hình tài chính tại LPT cũng có nhiều biến động liên quan đến dòng tiền. Cụ thể, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm hơn 16 tỷ đồng, có khởi sắc so với cùng kỳ âm 37,9 tỷ đồng.
Nguồn: BCTC 2023 của LPT.
Mặt khác, công ty có dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư dương 3,8 tỷ đồng và dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính âm 8,2 tỷ đồng. Có thể thấy, kết quả lưu chuyển tiền thuần trong năm của LPT âm 20,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ âm 2,6 tỷ đồng.
Vì vậy, tiền và các khoản tương đương tiền cuối năm của công ty chỉ còn “vòn vẹn” 1,4 tỷ đồng, giảm mạnh hơn 90% so với số đầu năm 21,8 tỷ đồng.
Ngọc Bảo