Rau má từ lâu được biết đến là loại rau tốt cho sức khỏe. Vì thế nhiều người vẫn ép nước rau má uống hàng ngày. Vậy nhưng uống nước rau má mỗi ngày có tốt không?
Rau má là loại cây thân thảo, có thân bò, màu xanh lục, rất phổ biến ở các vùng nông thôn, mọc ở những nơi ẩm ướt. Loại cây này chịu được bóng râm và độ ẩm, khả năng thích ứng mạnh, sinh sản nhanh, thường mọc thành từng mảng nên nhiều người nếu không biết sẽ tưởng rằng đó là cỏ dại và nhổ bỏ.
Nó được sử dụng như loại thuốc truyền thống ở Đông Nam Á từ hàng nghìn năm nay, không chỉ ăn như rau mà còn có thể ép nước uống. Dưới đây là những công dụng tiêu biểu mà nước rau má đem lại.
Theo Đông y, rau má vị hơi đắng, tính mát. Toàn bộ cây rau má có thể dùng làm thuốc, tác dụng thanh nhiệt giải độc, chữa các vết mụn nhọt lở loét, sốt…
Thanh nhiệt cho cơ thể
Rau má được pha thành trà thảo mộc vào mùa hè, tác dụng giải nhiệt mùa hè, khử trùng và làm dịu cơn khát. Cách làm rất đơn giản, chỉ cần dùng một nắm rau má tươi, rửa sạch cho vào ấm boặc bình trà, sau đó đổ nước nóng vào, để nguội rồi uống.
Để tăng thêm hương vị cho món trà rau má, bạn có thể thêm chút đường phèn hoặc đường nâu tùy theo sở thích. Ngoài ra, bạn có thể ép nước rau má để uống, cũng có tác dụng tương tự.
Giảm mệt mỏi, ngăn chứng mất trí nhớ
Uống nước rau má giúp kích thích hệ thần kinh trung ương, trung hòa axit trong máu, hạ nhiệt độ cơ thể và có lợi cho chức năng tim và gan. Nghiên cứu hiện đại phát hiện ra rằng các chất có trong rau má có thể chống lại quá trình oxy hóa, làm giảm kích thước vùng bị ảnh hưởng khi xảy ra đột quỵ, ngăn ngừa chứng mất trí nhớ.
Một nghiên cứu năm 2012 cho thấy các thành phần có trong rau má có thể ức chế tác hại của hydrogen peroxide đối với tế bào người, có thể chống lại quá trình oxy hóa và cải thiện tỷ lệ sống sót của tế bào.
Tăng cường sức đề kháng của cơ thể
Rau má tác dụng giảm sốt, giúp cải thiện hệ thống miễn dịch của cơ thể, ngừa chứng huyết áp cao, nhiễm trùng đường tiết niệu và góp phần loại bỏ độc tố trong cơ thể.
Ngoài ra, các thành phần có trong rau má cũng có lợi cho phụ nữ sau sinh, có tác dụng làm đẹp da. Đắp mặt nạ rau má cũng giúp cải thiện nếp nhăn, chống lão hóa da và kích thích tăng sinh collagen.
Uống nước rau má mỗi ngày có tốt không?
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, rau má mặc dù an toàn nhưng không nên sử dụng quá 6 tuần mà không có chỉ định của bác sĩ. Lượng dùng cho một ngày của một người bình thường được các nhà khoa học khuyên dùng là 1 cốc nước rau má, tương đương 40g rau má. Tuy nhiên, không nên dùng liên tục quá 1 tháng. Nếu muốn dùng đợt sau thì phải nghỉ tối thiểu là nửa tháng rồi mới dùng tiếp.
Xem thêm: Những người không nên uống trà lá ổi kẻo mang bệnh vào người
Rau má cũng có tác dụng làm giảm tác dụng an thần khi dùng với các loại thuốc cảm lạnh và ho, hoặc khi uống rượu. Dùng quá nhiều rau má và kéo dài có thể gây biến chứng cho một số tế bào máu, tế bào gan, tế bào thận.
Rau má là loại rau tính hàn, công dụng giải nhiệt. Nhưng sử dụng nhiều cũng dễ gây ra đầy bụng và tiêu chảy. Đặc biệt với người có thân nhiệt thấp và hay lạnh bụng thì càng dễ tiêu chảy. Những trường hợp này chỉ nên dùng vài lá mỗi lần hoặc khi dùng kèm theo một vài lát gừng sống.
Ngoài ra trong một số trường hợp, rau má làm tăng lượng cholesterol và lượng đường trong máu, vì vậy những người có cholesterol cao và bệnh tiểu đường nên tránh lạm dụng sử dụng rau má quá nhiều.
Thảo mộc này cũng có thể dẫn đến sẩy thai nếu sử dụng trong thời kỳ mang thai. Do vậy, trẻ em, phụ nữ mang thai và đang cho con bú cũng nên tránh dùng loại rau này.
Thùy Dung (T/h)/Đời sống pháp luật
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/se-the-nao-neu-ban-uong-nuoc-rau-ma-hang-ngay-a606750.html