Một người bình thường cần ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi đêm nhưng thực tế không phải ai cũng ngủ đủ và có được giấc ngủ ngon.
Một bộ phim tài liệu của Anh về giấc ngủ trong đó người dẫn chương trình cũng là người mắc chứng mất ngủ mãn tính Michael Mosley đã tìm đến với các chuyên gia để tìm hiểu lợi ích của việc có một giấc ngủ ngon đáng giá thế nào. Sau đây là những điều mà bạn sẽ nhận được khi ngủ ngon.
Giúp dọn dẹp não bộ
Bác sĩ Sharman, trợ lý tiến sĩ của Viện Khoa học thần kinh về Giấc ngủ và Sinh học tại Đại học Oxford nói: “Chúng ta cần ngủ sâu để giải độc não. Đó là hệ thống “dọn dẹp” của não”.
Vậy loại độc tố nào sẽ được quét sạch khỏi não? Những thứ như amyloid - loại protein có liên quan đến bệnh Alzheimer là thứ sẽ được dọn sạch. Vì vậy, đối với những người không ngủ ngon, bạn sẽ không giải phóng được chất thải này”.
Cải thiện trí nhớ
Trong bộ phim tài liệu, Mosley mất gần 30 phút để tìm đường đến giữa mê cung. Nhưng sau một đêm ngủ, anh có thể hoàn thành công việc chỉ trong vòng hơn 6 phút.
Giáo sư Gina Poe, Đại học California nói: “Chúng ta cần ngủ để kết nối những thứ không thể nhìn thấy khi thức. Ví dụ, bạn sẽ nhìn được các hướng khác nhau trong trò chơi mê cung mà khi thức chưa thấy được”.
Điều này là nhờ khoảng thời gian ngắn trong quá trình chuyển đổi từ giấc ngủ sâu sang giấc ngủ REM. Đó là lúc vùng hải mã - nơi có vai trò chính trong học tập và trí nhớ - sẽ ghi những ký ức tạm thời của bạn vào kho lưu trữ bộ nhớ dài hạn.
Và trong giấc ngủ REM, não bộ mới gợi lại những ký ức này và tách rời các phần ký ức đó một cách có chọn lọc. Đó là lúc bạn có thể ghi lại những ký ức mới cũng như xóa đi những phần cần xóa.
Tắt gen miễn dịch
Khi bạn rơi vào tình trạng thiếu ngủ sẽ khiến một số gen được bật lên và hoạt động dù lẽ ra chúng chưa cần làm việc.
Lấy ví dụ, hệ thống miễn dịch của bạn chỉ được bật lên khi có mầm bệnh nhưng nếu thiếu ngủ, nó sẽ vẫn hoạt động ngay cả khi không có gì tấn công và kết quả là nó làm việc quá mức.
Điều đáng lo ngại là việc thiếu ngủ khiến ty thể, bộ phận “động cơ” của tế bào tạo ra năng lượng, bị rối loạn chức năng. Rối loạn chức năng của ty thể liên quan đến bệnh Alzheimer.
Nhưng không chỉ có vậy, việc thiếu ngủ ảnh hưởng đến hầu hết mọi hệ thống trong cơ thể. Chẳng hạn việc bạn cố gắng làm mọi việc khi thiếu ngủ cũng giống như người đang say rượu.
Chống tăng cân
Có hai loại hormone trong cơ thể liên quan tới cân nặng đó là leptin và ghrelin. Leptin được sản xuất bởi các tế bào mỡ. Khi bạn có nhiều chất béo dự trữ trong cơ thể, nồng độ leptin sẽ tăng lên và chúng nói với não rằng lượng chất béo dự trữ là đủ.
Tuy nhiên, những người bị thiếu ngủ có mức độ leptin thấp hơn nên não họ không nhận được tín hiệu rằng lượng chất béo dự trữ đã đủ. Kết quả là sẽ tích trữ nhiều chất béo hơn.
Mặt khác, ghrelin là một loại hormone điều chỉnh cơn đói và mức độ của nó sẽ tăng lên khi bạn không ăn trong một thời gian. Có một số bằng chứng cho thấy mức độ ghrelin cao hơn ở những người ngủ ít, vì vậy họ nhận được tín hiệu đói liên tục.
Và sau một đêm mất ngủ, trung bình mọi người sẽ tiêu thụ thêm 385 calo mỗi ngày, chiếm khoảng 20% nhu cầu năng lượng trung bình của phụ nữ. Đó là một lượng đáng kể đủ khiến bạn tăng cân.
MINH MINH
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/tai-sao-ngu-du-giac-va-ngu-ngon-con-quan-trong-hon-ca-tap-the-duc-a606878.html