Xe đang thế chấp tại ngân hàng có bị tịch thu khi vi phạm giao thông?

Việc người dân sử dụng xe đang thế chấp tại ngân hàng để tham gia giao thông là khá phổ biến. Thực tế, có khá nhiều trường hợp người dân có hành vi vi phạm hành chính khi điều khiển phương tiện. Vậy hướng xử lý ra sao?

Hỏi: Trường hợp vi phạm giao thông đến mức phải bị tịch thu xe, nhưng xe đó đang là tài sản bị thế chấp tại ngân hàng thì giải quyết như thế nào? Xin cảm ơn.

Trả lời: 

Lỗi vi phạm nào bị tạm giữ xe?

Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết sau đây:

- Để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt;

- Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội;

- Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt.

Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là 7 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày.

xe-dang-the-chap-tai-ngan-hang-co-bi-tich-thu-khi-vi-pham-giao-thong-1709282043.jpg
Đối với một số lỗi vi phạm, phương tiện tham gia giao thông sẽ bị tạm giữ.

Theo Điều 10 Thông tư 47/2014/TT-BCA, phương tiện bị tạm giữ do vi phạm hành chính nhưng chưa đến mức bị tịch thu được trả lại cho tổ chức, cá nhân vi phạm thì khi đến nhận lại phương tiện, tổ chức, cá nhân vi phạm phải nộp phí lưu kho, phí bến bãi, phí bảo quản tang vật, phương tiện trong thời gian bị tạm giữ.

Không thu phí lưu kho, phí bến bãi, phí bảo quản trong thời gian phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ nếu chủ tang vật, phương tiện không có lỗi trong việc vi phạm hành chính hoặc áp dụng biện pháp tịch thu hoặc tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản phương tiện.

Luật Phí và lệ phí 2015 quy định phí trông giữ xe thuộc danh mục các sản phẩm, dịch vụ chuyển từ phí sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá.

Theo Nghị định 149/2016/NĐ-CP, giá cụ thể đối với dịch vụ trông giữ xe được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước do UBND cấp tỉnh quy định.

Giải quyết thế nào khi xe đó đang là tài sản bị thế chấp tại ngân hàng?

Điều 126, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định: “Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu nhưng đã đăng ký biện pháp bảo đảm thế chấp tài sản theo quy định của pháp luật dân sự thì bên nhận thế chấp được nhận lại tang vật, phương tiện hoặc trị giá tương ứng với nghĩa vụ được bảo đảm; cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào ngân sách nhà nước”.

Như vậy, theo quy định nêu trên, nếu xe là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu nhưng đã đăng ký thế chấp theo đúng quy định của pháp luật thì tổ chức tín dụng, bên nhận thế chấp được nhận lại xe; cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào ngân sách nhà nước.

Khánh Vân (T/h)

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/xe-dang-the-chap-tai-ngan-hang-co-bi-tich-thu-khi-vi-pham-giao-thong-a606932.html