PMS báo lãi 2023 gần 30 tỷ đồng, quỹ nợ tăng cao

Mới đây, CTCP Cơ khí Xăng dầu (HNX: PMS) đã công bố báo cáo tài chính 2023 với kết quả khả quan khi hoàn thành mục tiêu doanh thu và lợi nhuận vượt xa kế hoạch đề ra trong năm.

Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch

Theo báo cáo tài chính 2023, PMS ghi nhận doanh thu thuần 1.421 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ. Thế nhưng nhờ giá vốn hàng bán giảm gần 200 tỷ đồng so với năm 2022, lợi nhuận gộp công ty thu được 121,2 tỷ đồng, tức tăng hơn 32%.

Do đó, dù chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng lần lượt lên mức 34,6 tỷ đồng và 53,6 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ 28,7 tỷ đồng và 37,9 tỷ đồng) nhưng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh vẫn lãi 34,6 tỷ đồng, tăng 27%.

Ngoài ra, trong năm 2023, PMS thu hồi tiền hóa đơn bất hợp pháp gần 959 triệu đồng và cắt giảm được chi phí bổ sung theo cơ quan thuế (năm 2022 ghi nhận 898,6 triệu đồng) nên khoản lợi nhuận khác lãi 1,4 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 675,5 triệu đồng).

Kết quả, công ty báo lãi trước thuế 36,1 tỷ đồng (tăng 36% so với cùng kỳ), lãi ròng 29,5 tỷ đồng (tăng 23%).

Với kết quả trên, PMS đã vượt kế hoạch đề ra trong năm 2023 tới 34% mục tiêu doanh thu và 64% mục tiêu lợi nhuận trước thuế.

1-1709281078.png Kết quả kinh doanh của PMS trong 4 năm gần nhất.

Quỹ nợ tăng cao, gấp 1,5 lần vốn chủ sở hữu

Tính đến cuối năm 2023, tình hình tài chính của PMS thoạt nhìn khá an toàn khi tổng tài sản đạt mức 421,4 tỷ đồng, tăng gần 90 tỷ đồng so với số đầu năm, phần lớn là tài sản ngắn hạn chiếm 71%, tương ứng 300,1 tỷ đồng.

Nổi bật có các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng tăng từ 89,5 tỷ đồng lên 165,5 tỷ đồng; hàng tồn kho tăng nhẹ 4% lên 81,5 tỷ đồng, chủ yếu là hàng hóa, nguyên vật liệu; chi phí trả trước ngắn hạn giảm mạnh từ 4,7 tỷ đồng xuống 168,2 triệu đồng, phần nhiều do cắt giảm chi phí sửa chữa và công cụ, dụng cụ.

Thế nhưng, ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả tăng vọt từ 167,2 tỷ đồng đầu năm lên 249,9 tỷ đồng, 98% là nợ ngắn hạn. Trong đây phần lớn là khoản phải trả người bán ngắn hạn 112,1 tỷ đồng và các khoản vay tại Vietinbank với tổng số tiền 81,9 tỷ đồng nhằm bổ sung vốn lưu động.

Vốn chủ sở hữu của công ty tăng nhẹ từ hơn 166 tỷ đồng lên 171,4 tỷ đồng. Như vậy, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu (D/E) của công ty đã là 1,45 lần (cùng kỳ chỉ xấp xỉ 1).

Về dòng tiền, lưu chuyển tiền thuần trong năm của PMS ghi nhận dương 8,1 tỷ đồng, cùng kỳ dương 8,2 tỷ đồng. Tiền và tương đương tiền cuối năm ở mức 21,8 tỷ đồng, trong khi số đầu năm chỉ 13,4 tỷ đồng.

Được biết, CTCP Cơ khí Xăng dầu (HNX: PMS) là đơn vị thành viên của Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam, thành lập năm 1999. Công ty hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh bao bì thiếc, thùng phuy, các loại bồn, cột biển thương hiệu, xe bồn, thiết bị cứu hỏa, thiết bị xăng dầu và các dịch vụ xây dựng.

Ngọc Bảo

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/pms-bao-lai-2023-gan-30-ty-dong-quy-no-tang-cao-a606942.html