Từ vụ Nam Em bị xử phạt 37,5 triệu đồng, người nổi tiếng cần lưu ý gì khi phát ngôn trên mạng?

Nam Em bị Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM xử phạt 37,5 triệu đồng vì ồn ào livestream. Từ vụ việc này, người nổi tiếng cần cẩn trọng khi sử dụng cũng như phát ngôn trên mạng xã hội.

Lý do Nam Em bị xử phạt 37,5 triệu đồng

Ngày 1/3, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM phối hợp cùng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP.HCM đã mời bà Nguyễn Thị Lệ Nam Em (người mẫu, hoa khôi, diễn viên Nam Em) lên làm việc về hoạt động cung cấp thông tin trên các tài khoản mạng xã hội.

Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông xử phạt vi phạm hành chính đối với Nam Em về hành vi cung cấp thông tin gây hoang mang trong nhân dân và hành vi cung cấp thông tin xúc phạm danh nhân, anh hùng dân tộc theo quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Tổng số tiền xử phạt hành chính là 37,5 triệu đồng.

Sở Thông tin và Truyền thông khuyến cáo Nam Em nếu tái phạm và tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm hành chính mặc dù đã yêu cầu chấm dứt hành vi đó thì sẽ xem xét tình tiết tăng nặng theo quy định. Đồng thời, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng áp dụng biện pháp ngăn chặn theo quy định pháp luật.

nam-em-bi-xu-phat-375-trieu-dong-sau-livestream-on-ao-mang-xa-hoi-1709293715.jpg
Nam Em tại buổi làm việc với cơ quan chức năng ngày 1/3. (Ảnh: Sở Thông tin và Truyền thông)

Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị Nam Em chấp hành đúng quy định tại Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17/6/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ban hành bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội và Quyết định số 3196/QĐ-BVHTTDL ngày 13/12/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.

Trước đó, Nam Em liên tiếp tổ chức livestream trên các tài khoản mạng xã hội, trong các buổi livestream đó cô gợi lại chuyện tình cảm ồn ào trong quá khứ, không ngại tiết lộ góc khuất showbiz…

Không những thế, Nam Em còn có phát ngôn nhắc đến Bác Hồ trong một buổi livestream. Những nội dung phát ngôn gây tranh cãi của Nam Em đã dấy lên nhiều ồn ào mạng xã hội và các thông tin tiêu cực trong thời gian qua.

nam-em-bi-xu-phat-375-trieu-dong-sau-livestream-on-ao-mang-xa-hoi2-1709297003.jpg
Nam Em có nhiều buổi live stream với phát ngôn và thông tin gây sốc, khiến nhiều người bức xúc. (Ảnh: Lao động)

Cần xử lý vi phạm quyết liệt hơn để cảnh tỉnh những ai "lộng ngôn" trên mạng xã hội

Trước nay, nhiều người nổi tiếng gây ồn ào trên mạng xã hội. Trước đó, “thánh chửi” T.T. - cựu người mẫu, nổi tiếng với những câu chửi phản cảm. Ca sĩ N.T.L. từng live stream nói bản thân bị đánh thuốc, rồi nói về bùa ngải, bóc mẽ một vài người nổi tiếng. Nhiều nghệ sĩ từng lên mạng để thóa mạ những khán giả chống đối mình (antifan). 

Cơ quan chức năng của TP.HCM không ít lần xử phạt người nổi tiếng do những vi phạm trên không gian mạng, đa phần là đăng tải thông tin sai sự thật, như trường hợp của Đàm Vĩnh Hưng, Ngô Thanh Vân, Cát Phượng, Angela Phương Trinh… Cựu người mẫu Trang Trần là trường hợp hiếm hoi bị phạt do lỗi phát ngôn phản cảm, không chuẩn mực trên mạng xã hội. 

Luật sư Trần Xuân Tiền (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết trên báo Phụ nữ TP.HCM, theo Luật An ninh mạng và Bộ luật Dân sự năm 2015, mọi hành vi đưa thông tin bịa đặt, sai sự thật, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân đều bị xử phạt.

Mức phạt cao nhất theo quy định của Bộ luật Hình sự là 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm trong trường hợp biết lời nói, hành vi của mình là sai sự thật mà vẫn cố tình bịa đặt nhằm xúc phạm đến danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. 

Theo luật sư Trần Xuân Tiền, việc buộc xin lỗi công khai hay phạt vài triệu, vài chục triệu đồng khó đủ sức răn đe với những cá nhân ngoan cố hay mượn không gian mạng để đạt được mục đích bất chính bởi thu nhập từ hành vi sai trái của họ lớn gấp nhiều lần mức phạt.

Do đó, cơ quan xây dựng luật có thể xem xét đến biện pháp khóa tài khoản mạng xã hội có thời hạn của người vi phạm tùy theo tính chất, mức độ vi phạm. Ngoài ra, có thể tính đến biện pháp cấm biểu diễn, hành nghề trong thời gian nhất định. 

Khánh Vân (T/h)

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nam-em-bi-xu-phat-375-trieu-dong-sau-livestream-on-ao-mang-xa-hoi-a606945.html