Tính đến 9h sáng 5/3, theo IQAir (ứng dụng theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới) TP Hà Nội đang đứng số 1 thế giới về chỉ số ô nhiễm không khí. Theo đó, chỉ số AQI (chất lượng không khí) của Hà Nội là 229 - ở mức cảnh báo rất không tốt cho sức khỏe con người.
Ghi nhận cho thấy, ngoài chất lượng không khí ô nhiễm, Hà Nội còn xuất hiện sương mù dày đặc vào buổi sáng. Chính điều này khiến nhiều người lầm tưởng sương mù là ảnh hưởng của yếu tố thời tiết, mà không biết rằng kèm theo đó là chất lượng không khí đang cực xấu. Trong đó, chất gây ô nhiễm chính là bụi mịn (PM25) với nồng độ 179µg/m³. Theo các chuyên gia, khi nồng độ bụi mịn PM2.5 ngoài trời tăng lên sẽ khiến không khí bị mờ đi, tầm nhìn bị ảnh hưởng giống như sương mù.
Đáng nói PM2.5 còn gây tác hại rất lớn với cơ thể từ làn da cho đến hệ hô hấp. Chính vì lý do đó, ngành y tế đã có khuyến cáo rất chi tiết với người dân về cách phòng tránh ảnh hưởng khi chất lượng không khí bị ô nhiễm.
Hà Nội đứng đầu thế giới về chỉ số ô nhiễm không khí. Ảnh chụp màn hình.
PGS.TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế) cho biết với chất lượng không khí như hiện tại, mọi người nên hạn chế di chuyển ra ngoài, nhất là người già, trẻ nhỏ, người có bệnh mãn tính. Ông Phu cũng cảnh báo ngay cả với những người trẻ cũng không nên ra đường, nhất là việc chụp ảnh với sương mù vì việc tiếp xúc trực tiếp như vậy sẽ ảnh hưởng đến làn da, hệ hô hấp rất lớn.
Cụ thể, ông Phu khuyến cáo mọi người nên đợi tan sương mù hãy đi ra khỏi nhà, khi đó các chất độc hại trong không khí đã bay lên cao, không còn lơ lửng dưới mặt đất, như vậy nguy cơ hít phải sẽ ít hơn. Trường hợp bắt buộc ra ngoài, mọi người cần dùng khẩu trang để ngăn chặn phần nào chất độc trong không khí. Ngoài ra, tuyệt đối không tập thể dục ngoài trời, bởi khi vận động, việc hít thở diễn ra nhanh hơn bình thường nên chúng ta sẽ hít phải chất độc nhiều hơn.
Khi ở trong nhà, nên hút ẩm, mở điều hoà chế độ sưởi để hạn chế vi khuẩn, virus sinh sôi gây bệnh cho gia đình. Ngoài ra, chúng ta cần kịp thời đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu của bệnh hô hấp, có vấn đề xương khớp, bệnh mạn tính để tránh trở nặng và nguy hiểm. Bên cạnh đó, người dân cần lưu ý không phơi quần áo ngoài trời sương để qua đêm, nên là hoặc sấy quần áo để tiêu diệt nấm mốc bám trên áo quần tránh các bệnh lý da liễu...
Trong làn sương mù có nồng độ bụi mịn PM2.5 rất cao, mọi người tốt nhất không nên ra đường. Ảnh minh họa.
Đối với nồng độ bụi mịn PM2.5 trong không khí ở mức rất cao, bác sĩ Vũ Văn Thành - Trưởng khoa Bệnh phổi mạn tính (BV Phổi Trung ương) cho biết đây là những hạt bụi rất nhỏ, qua đường hô hấp có thể đi sâu vào trong phế quản và phế nang gây hại rất lớn cho hệ hô hấp.
"Điều đáng lo ngại nhất chính là những hạt bụi mịn PM2.5 có kích thước rất nhỏ này hoàn toàn có thể đi vào cơ thể kể cả khi đeo khẩu trang vải, khẩu trang y tế. Chỉ có khẩu trang N95 và một số loại khẩu trang có kết cấu màng lọc đặc biệt mới ngăn được loại bụi mịn này. Tuy nhiên do giá cả đắt đỏ, khi đeo khó thở nên ít người sử dụng. Vì thế, để phòng bệnh thì tốt nhất không ra khỏi nhà khi chất lượng không khí đang ở mức rất xấu", bác sĩ Thành chia sẻ.
Theo khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế, khi chất lượng không khí ở mức rất xấu (AQI ở mức 201 - 300), người dân cần thực hiện những biện pháp phòng tránh sau:
Đối với người bình thường
- Tránh các hoạt động ngoài trời trong thời gian dài hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức. Khuyến khích thực hiện các hoạt động trong nhà.
- Tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao. Nếu phải hoạt động tại các khu vực này, nên sử dụng các loại khẩu trang có thể ngăn ngừa bụi mịn (là bụi có đường kính khí động học ≤ 2,5 μm).
- Nếu phải tham gia giao thông nên tăng cường sử dụng các phương tiện công cộng, hạn chế sử dụng xe máy, xe đạp để giảm tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm.
- Hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.
- Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Đối với những người nhạy cảm (người già, trẻ nhỏ, có các bệnh lý mãn tính về hô hấp, da, tim mạch…):
- Tránh tất cả các hoạt động ngoài trời, chuyển sang các hoạt động trong nhà hoặc chuyển sang ngày khác khi chỉ số chất lượng không khí tốt hơn. Hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.
- Nếu bắt buộc phải ra khỏi nhà cần hạn chế tối đa thời gian thực hiện các hoạt động ngoài trời và sử dụng các loại khẩu trang có thể ngăn ngừa bụi mịn. Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.
- Theo dõi sức khoẻ, nếu xuất hiện các triệu chứng cấp tính như khó thở, ho, sốt cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị.
LÊ PHƯƠNG.