Quốc gia đầu tiên trên thế giới tặng 'quà khủng' cho phụ nữ trước thềm ngày 8/3

Trước thềm Quốc tế Phụ nữ 8/3, Quốc hội Pháp đã bỏ phiếu sửa đổi hiến pháp, trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới bảo vệ điều này ở phụ nữ.

Tại cuộc bỏ phiếu ngày 4/3, với 780 phiếu thuận và 72 phiếu chống, Quốc hội Pháp chính thức đưa quyền phá thai vào trong hiến pháp. Như vậy, Pháp trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cung cấp sự bảo vệ rõ ràng cho việc chấm dứt thai kỳ trong luật cơ bản của mình. 

Tổng thống Emmanuel Macron mô tả bước tiến này như một "niềm tự hào của Pháp", gửi đi một "thông điệp toàn cầu". Đặc biệt hơn, động thái này diễn ra ngay trước thềm Quốc tế Phụ nữ 8/3. Để chào mừng sự sửa đổi, tháp Eiffel đã được thắp sáng với khẩu hiệu "My Body My Choice" (tạm dịch: "Cơ thể của tôi, Lựa chọn của tôi").

Khi khuyến khích các nghị sĩ thông qua dự luật, Thủ tướng Gabriel Attal nói: "Đây là một bước cơ bản... Một bước sẽ đi vào lịch sử”. Ông nói rằng họ nợ "một nghĩa vụ đạo đức" đối với những gì mà tất cả phụ nữ đã phải chịu đựng trước khi pháp lệnh phá thai được ban hành.

Thủ tướng Pháp nói rằng quyền tự do phá thai vẫn "đang bị đe dọa" trên toàn thế giới do quyết định của những người làm luật. Việc quốc hội Pháp họp chung như vậy là rất hiếm, và chỉ diễn ra trong những dịp quan trọng như thay đổi hiến pháp. Lần gần đây nhất Pháp thay đổi hiến pháp là vào năm 2008.

phap-bo-phieu-dua-pha-thai-vao-hien-phap-1-1709777284.jpg
Yael Braun-Pivet, Chủ tịch Quốc hội Pháp, hoan nghênh sau khi các nhà lập pháp đưa quyền phá thai vào hiến pháp tại Cung điện Versailles. Ảnh: Reuters

Năm ngoái, Tổng thống Macron đã cam kết sẽ đưa quyền phá thai vào hiến pháp sau khi Tòa án Tối cao Hoa Kỳ bãi bỏ quyền lợi này vào năm 2022, cho phép các bang của Mỹ cấm hoặc hạn chế nó. Vào tháng 1, Hạ viện Pháp phê chuẩn phá thai trở thành một "quyền tự do đảm bảo" trong hiến pháp. Sau đó, Thượng viện cũng ra quyết định tương tự.

Theo các cuộc thăm dò dư luận, đa số công chúng Pháp ủng hộ việc bổ sung quyền phá thai. Một cuộc thăm dò của nhóm thăm dò dư luận Pháp IFOP vào tháng 11/2022 cho thấy 86% người Pháp ủng hộ việc ghi nó vào hiến pháp.

Phá thai đã được hợp pháp hóa tại Pháp vào năm 1975 trong một luật được bộ trưởng y tế Simone Veil ủng hộ. Khi chiến dịch vận động chính trị bắt đầu mạnh mẽ vào năm 1971, Claudine Monteil, người đứng đầu hiệp hội Femmes Monde (Phụ nữ trên thế giới) từng nói với các phóng viên: “Chúng ta chưa bao giờ có thể tưởng tượng rằng một ngày nào đó, quyền phá thai sẽ được viết vào hiến pháp”. Vào thời điểm đó, ước tính có từ 700.000 đến 800.000 phụ nữ phá thai mỗi năm.

Xem thêm: 101 lời chúc ngày 8/3 hay, ý nghĩa dành cho người thân, người yêu và một nửa còn lại của thế giới

Bảo Linh

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/quoc-gia-dau-tien-tren-the-gioi-tang-qua-khung-cho-phu-nu-truoc-them-ngay-83-a607204.html