Tôi nghĩ không riêng gì tôi mà nhiều bố mẹ khác cũng rất đau đầu khi gặp phải trường hợp bất đồng quan điểm trong cách nuôi dạy con cái với ông bà. Dẫu biết rằng ông bà nào cũng thương cháu cả, nhưng chuyện giáo dục trẻ là quan trọng và trên thực tế, có rất nhiều quan điểm của ông bà đã lỗi thời, không còn phù hợp với thời hiện đại ngày nay nữa nên nếu bố mẹ không kịp thời can thiệp thì con cái sẽ rất dễ phát triển lệch lạc trong tương lai.
Tôi may mắn khi vừa ra trường đã được gả vào một gia đình bố mẹ chồng có điều kiện. Chính vì thế mà tôi và ông xã rất nhanh đã có thể xây dựng được một tổ ấm riêng của mình giữa trung tâm thành phố Hà Nội. Cưới nhau được một năm thì tôi hạ sinh con trai đầu lòng, cũng là cháu đích tôn nên thằng bé nhà tôi được ông bà yêu thương hết mực.
Ảnh minh hoạ.
Dù dọn ra ở riêng ngay từ khi cưới nhau nhưng vì bố mẹ chồng cũng ở gần, chỉ khác mỗi con phố nên mỗi tuần tôi đều đưa con trai qua thăm ông bà nội. Tuy quý bố mẹ chồng nhưng tôi không để con trai ở với ông bà nhiều, bởi tôi biết rất rõ ông bà sẽ cưng chiều cháu đến mức độ nào, tôi sợ đứa nhỏ vì thế mà sinh hư.
Cuối tuần này gia đình tôi có hẹn với bố mẹ chồng sẽ qua nhà ăn cơm tối, làm một bữa thịnh soạn để chúc mừng ngày Phụ nữ 8/3 và sẵn tiện tặng cho mẹ chồng món quà nho nhỏ nhân dịp lễ này. Vì chồng tôi có chuyến công tác đột xuất ở ngoại tỉnh nên chỉ có tôi và con trai sang nhà chơi với ông bà.
Cuộc hẹn gia đình diễn ra vui vẻ cho đến khi tôi và bố chồng có vài lời qua tiếng lại vào giữa buổi tiệc. Và sự việc này đã khiến cho không khí trở nên nặng nề, tôi khá tức giận nên đã xin phép bố mẹ chồng đưa con trai về vì không muốn đứa trẻ tiếp tục chứng kiến cảnh người lớn xích mích với nhau.
Chuyện khởi nguồn từ việc trong lúc ăn tối, bố mẹ chồng có hỏi han về chuyện học hành của thằng cháu. Tuy nhiên trẻ con thì như mọi người cũng đoán được, nhắc về chuyện học hành hay thi cử thì đều tỏ ra chán nản và lười biếng. Thằng con trai tôi biết được cưng nên lại "giở trò" than vãn với ông bà nội về việc sắp tới sẽ phải học nhiều để chuẩn bị cho kỳ thi giữa kỳ.
Khi nghe cháu trai bày tỏ nỗi lòng, bố chồng tôi ngay lập tức đưa ra một lời hứa, thoả thuận mang tính chất "treo thưởng" rằng:
- Cháu trai của ông cố gắng học và thi thật tốt nhé, nếu con chăm chỉ và đạt được thành tích tốt thì ông sẽ thưởng cho con một món quà lớn. Con muốn gì ông cũng sẽ đồng ý, chỉ cần con siêng năng học hành, đừng lười biếng là được!
Nghe ông nội nói như thế, thằng bé nhà tôi nhảy cẫng lên vì vui mừng.
- Quà gì cũng được hả ông, nếu ông thưởng cho con thì con sẽ nghiêm túc học ạ!
Đoạn hội thoại giữa hai ông cháu bị tôi cắt ngang, bởi tôi hoàn toàn không đồng ý với hành động của bố chồng.
- Không được đâu bố ạ, bố đừng làm như thế sẽ không tốt cho cháu đâu ạ!
Ảnh minh hoạ.
- Mẹ ơi, tại sao lại không tốt ạ, ông thưởng cho con để con học chăm hơn cơ mà. Chẳng phải mẹ hay mắng con là lười biếng học, muốn con phải siêng năng hơn cơ mà. Con sẽ nghiêm túc học để thi được điểm cao và nhận phần thưởng từ ông mẹ ạ!
- Con xin lỗi bố nhưng con không đồng tình với điều này, con không thích việc thằng bé chịu học vì muốn được nhận phần thưởng. Việc "treo thưởng" như vậy sẽ khiến thằng bé ỷ lại, về sau cháu nó sẽ cứ trông quà, tự hình thành nhận thức là phải có phần thưởng thì mới học. Và hơn thế nữa, động lực học tập của con cũng không thực sự xuất phát từ bên trong, từ nội lực bản thân yêu thích việc học mà là nhờ vào yếu tố kích thích bên ngoài, đó là phần thưởng. Nếu như thế thì việc học hoàn toàn không có giá trị, và chắc chắn cũng sẽ không mang lại hiệu quả gì cho cháu nó cả bố ạ!
Nghe tôi giải thích, bố chồng không đồng tình mà ngược lại còn lớn giọng và cho rằng quan điểm giáo dục của tôi không đúng, ông nói với vẻ khó chịu.
- Bây giờ đến cả việc tôi muốn tặng quà cho cháu cũng phải xin phép cô nữa sao? Nếu cháu nó học hành chăm chỉ, thi điểm cao thì đó không phải là điều nên vui mừng và người lớn phải có phần thưởng thích đáng để khích lệ sự cố gắng của thằng bé sao?
Ảnh minh hoạ.
- Con không có ý đó thưa bố, bố thương cháu tặng quà cho cháu con rất hạnh phúc và biết ơn. Thế nhưng cách "treo thưởng" để cháu chịu học như vậy thực sự không phù hợp chút nào đâu bố ạ! Từ trước đến giờ vợ chồng con chưa bao giờ áp dụng phương pháp này để nuôi dạy thằng bé. Bây giờ nếu bố làm như thế thì sẽ không đúng với định hướng chúng con đã giáo dục đứa trẻ từ bao lâu nay. Cứ tiếp tục có sự bất đồng, không thống nhất trong cách nuôi dạy giữa những người thân trong gia đình như vậy thì con trai con chắc chắn sẽ bị rối loạn, hình thành nhận thức sai lệch về sau đấy bố ạ!
Thằng bé là con của con nên bố mẹ hãy để cho vợ chồng con được toàn quyền nuôi dạy. Con biết bố mẹ làm mọi chuyện đều vì thương cháu, nhưng con là mẹ, con biết điều gì tốt xấu cho đứa trẻ của mình. Bố mẹ hãy để con quyết định, đừng can thiệp vào cách giáo dục của chúng con kẻo rối ren cả lên nhé ạ! Con hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ và tôn trọng từ bố mẹ trong vấn đề này!
Tôi nói rất nhiều để bố mẹ chồng hiểu, thế nhưng dường như họ vẫn chưa thực sự vui vẻ và hài lòng với điều đó. Tôi biết ông bà đều có cái tôi riêng, có quan điểm nuôi dạy con cháu riêng của họ mà họ tin rằng đó là đúng, là tốt. Thế nhưng là bố mẹ, tôi nghĩ bản thân cần dạy con một cách phù hợp và hiện đại với hoàn cảnh cuộc sống. Thời nay khác thời xưa, có những quan điểm nuôi dạy của ông bà cần điều chỉnh hoặc loại bỏ, như vậy mới là tốt cho con cháu.
Tâm sự từ độc giả hanhnhien...@gmail.com
TRANG TRI