Su su bắt đầu thu hoạch chính vụ vào tháng 3 hàng năm, vì thế đây là thời điểm mọi người lựa chọn loại quả này để chế biến thành các món ăn trong các bữa ăn gia đình. Không chỉ là thực phẩm lành tính, dễ sử dụng, su su còn có nhiều tác dụng rất tốt với sức khỏe, nhất là hỗ trợ phòng một số bệnh lý mãn tính.
Trong quá trình sử dụng, có không ít người đặt ra câu hỏi về việc su su liệu có độc với cơ thể không, bởi mỗi khi sơ chế nhựa su su dính vào tay rất khó để rửa sạch. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Chuyên gia về Công nghệ thực phẩm cho biết, nhựa su su không có độc, tuy nhiên mọi người cũng nên cẩn trọng khi sơ chế và sử dụng loại quả này. Ông Thịnh cho biết, dù nhựa su su không có độc nhưng chúng có thể gây kích ứng da, dị ứng và ngứa ngáy khó chịu, nhất là với những người da nhạy cảm, có tiền sử dị ứng.
“Tốt nhất không nên ăn sống su su vì khi mới thu hoạch chúng chứa nhiều nhựa, có thể gây ngứa khoang miệng, cổ họng. Khi sơ chế cần đi găng tay hoặc khía nhẹ quả su su ngâm với nước muối loãng sau đó gọi vỏ. Nhựa su su gặp muối sẽ kết tủa và không bị bám dính vào tay”, ông Thịnh khuyến cáo.
Có thể ngâm su su với nước muối hoặc dùng găng tay để gọt vỏ để hạn chế nhựa bám dính vào tay. Ảnh minh họa.
Về giá trị dinh dưỡng, quả su su cung cấp ít calo vì thế rất tốt cho những người đang có ý định giảm cân. Các nghiên cứu của y học hiện đại chỉ ra rằng, quả su su có đến 94% là nước, 3,7% là glucid, ngoài ra còn có nhiều các vitamin và khoáng chất khác, nhất là vitamin C. Vì thế, sử dụng su su một cách hợp lý sẽ có tác dụng lợi tiểu, điều hòa tim mạch và có đặc tính chống viêm, thanh nhiệt, tiêu thũng.
TS.BS Từ Ngữ (Hội Dinh dưỡng Việt Nam) cho biết, su su là thực phẩm tốt, do đang vào mùa nên mọi người có thể sử dụng trong các bữa ăn hàng ngày. “Với các loại rau củ quả đúng mùa vụ nên ưu tiên dùng nhiều, bởi ngoài đảm bảo an toàn thực phẩm, rau đúng mùa còn mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng hơn là các loại rau trái vụ”, ông Ngữ cho hay.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng lưu ý mọi người cần chú ý trong khâu sơ chế và chế biến để đảm bảo dinh dưỡng được tốt nhất. Theo đó, do quả su su có nhựa và khi dính vào tay khá khó chịu, vì thế nhiều người thường khía ngâm nước trước khi thái, gọt. Ông Ngữ cho biết, đây cũng là một cách để hạn chế bị nhựa nhưng vô tình sẽ làm mất đi dinh dưỡng của rau.
Su su khi nạo sợi và rửa lại với nước sẽ bị mất nhiều chất dinh dưỡng. Ảnh minh họa.
“Su su có nhiều vitamin C và khoáng chất, vì thế khi cắt và ngâm vào nước những chất dinh dưỡng này cũng sẽ bị hòa tan trong nước và hao hụt đi nhiều. Vì thế, tốt nhất nên dùng dụng cụ như găng tay để gọt vỏ, sau đó rửa cả quả dưới vòi nước chảy chứ không nên ngâm trong nước”, TS Từ Ngữ tư vấn.
Vị chuyên gia này cũng khuyến cáo thêm rằng, nhiều gia đình sau khi gọt vỏ rồi cắt thành miếng nhỏ, thậm chí là nạo thành sợi để chế biến món ăn. Đây cũng là một sai lầm trong chế biến, bởi khi thái miếng nhỏ hoặc nạo sợi rồi tiếp tục rửa thì dinh dưỡng trong rau củ mất đi càng nhiều. Vì thế, tốt nhất không nên nạo nhỏ su su thành sợi, chỉ cắt miếng vừa ăn.
“Cắt miếng vừa ăn và hấp cách thủy sẽ giữ lại nhiều dinh dưỡng nhất bởi su su chứa nhiều nước, chế biến nhanh chín nên khi nấu không cần phải đun lâu”, ông Ngữ tư vấn.
Dù có thể ăn thường xuyên loại quả này, tuy nhiên các chuyên gia cũng khuyến cáo không nên ăn quá nhiều, quá 400g/ngày. Ngoài ra, cần ăn các loại rau khác nhau để bổ sung vitamin, khoáng chất cần thiết và có lợi cho sức khỏe.
LÊ PHƯƠNG.