Loại rau nấu ngọt không cần cho mì chính, cực ngon giòn nhưng chỉ ăn sai một bước gan dễ bị tổn thương

Dù có vô vàn tác dụng với cơ thể, khi nấu ăn có độ giòn và vị ngon nhưng với loại rau này, nếu không lưu ý khi ăn có thể gây hại cho sức khỏe.

Rau cần ta hay còn gọi là rau cần nước là loại rau bản địa, được bày bán quanh năm và có nhiều người sử dụng. Đặc biệt, loại rau này được dùng nhiều khi ăn lẩu, làm nộm, ăn bún cá hoặc xào tái vì có độ giòn và ngọt khi ăn.

Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Hội Đông y Hà Nội) cho biết, rau cần nước không chỉ là món ăn, mà còn là vị thuốc hỗ trợ điều trị bệnh rất tốt. Ông Sáng cho biết, trước đây loại rau này còn được gọi là “rau nhà nghèo”, vì dễ trồng, phát triển nhanh và ăn có vị ngọt, kể cả khi không cần cho mì chính.

Còn trong đông y, rau cần ta có tính mát, vị ngọt, hơi cay có tác dụng lương huyết, thanh nhiệt, tiêu thũng, lợi tiểu tiện, chỉ thống, chỉ huyết. Khi sử dụng có thể chống chướng bụng, buồn nôn, hỗ trợ điều trị viêm đường tiết niệu, chữa sốt, chữa rong kinh… Trong dân gian còn có bài thuốc chữa rắn cắn, bọ cạp đốt bằng cách dùng rau cần tươi giã nát, đắp ngoài vết cắn.

Ngoài làm món ăn, rau cần nước còn có thể hỗ trợ phòng và điều trị một số bệnh hiệu quả. Ảnh minh họa. 

Các nghiên cứu của y học hiện đại cũng chỉ ra rằng, trong rau cần ta có nhiều vitamin C, P, các abumin, đường, canxi, phốt pho, sắt và nhiều khoáng chất khác. Do có nhiều thành phần hóa học và các chất dinh dưỡng, nên khi ăn tươi rau cần hoặc dùng khô làm thuốc sẽ có tác dụng hỗ trợ điều trị, phòng bệnh như viêm gan, hạ đường huyết, tăng cường miễn dịch, kháng viêm, hạ cholesterol máu…

Trong đó, phổ biến nhất là dùng loại rau này để hạ cholesterol máu. Theo đó, có thể dùng cây rau cần tươi bỏ rễ, rửa sạch và đun sôi với lượng nước vừa phải, sau đó ép lấy nước, bỏ bã rồi cho thêm mật ong hoặc mật mía dùng 3 lần trong ngày, mỗi lần 40ml. Hay cũng có thể sử dụng bài thuốc khác giúp làm hạ cholesterol máu là dùng khoảng 10 cây rau cần ta, đem rửa sạch và giã nát, sắc nước cùng 10 quả đại táo. Nước thuốc thu được chia làm 2 lần uống trong ngày.

Ông Sáng cũng khuyến cáo, một số người có tiền sử mắc bệnh vảy nến, dị ứng, tỳ vị hư, ngứa ngáy không nên ăn nhiều rau cần. Bởi thành phần của loại rau này có chứa arachidon - một dạng chất xúc tác gây ra phản ứng viêm tấy khiến các bệnh về da liễu lâu khỏi hơn. Ngoài ra, người bị huyết áp thấp cũng không nên dùng rau cần, bởi rau này có tính mát, thanh nhiệt, có tác dụng hạ huyết áp.

Nhiều người có thói quen nhúng lẩu, chần tái rau cần nước để ăn giòn hơn, tuy nhiên đây là sai lầm dễ khiến gan bị tổn thương. Ảnh minh họa. 

Một vấn đề các chuyên gia lưu ý khi ăn rau cần ta, là tuyệt đối không ăn sống hoặc ăn tái, nhất là với những người có thói quen dùng loại rau này để ăn lẩu, chần qua để ăn bún cá. TS.BS Trần Huy Thọ - Phó giám đốc Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho biết, rau cần ta là loại rau thủy sinh, có thể chế biến thành nhiều món ăn, nhưng nếu không chú ý nó sẽ là mầm bệnh gây hại cho cơ thể, nhất là ở gan.

Theo phân tích của bác sĩ Thọ, rau cần nước sống ở dưới nước, thân rau chia thành nhiều đốt rỗng, các đốt này là bộ phận thích hợp để sán lá gan lớn ký sinh và phát triển. Đáng nói, loại sán này bằng mắt thường không thể nhìn thấy được, đồng thời việc rửa rau cũng không thể sạch hoàn toàn vì sán ở trong thân rau.

Bác sĩ Thọ cảnh báo, ăn sống, ăn tái rau cần, nhất là nhúng lẩu, cho vào bún cá... thì ký sinh trùng không thể bị tiêu diệt. “Sán lá gan lớn khi đi vào cơ thể sẽ ký sinh tại gan, sau đó tạo nên những ổ áp xe, các nang sán gây ảnh hưởng đến chức năng gan và sức khỏe toàn cơ thể. Đã có nhiều trường hợp nhầm lẫn nang sán, áp xe là ung thư gan sau đó cắt bỏ một phần lá gan mới biết đó là do ký sinh trùng. Do vậy, với những loại rau thủy sinh nói chung, rau cần nước nói riêng, cần ăn chín một cách tuyệt đối để phòng bệnh”, bác sĩ Thọ cho hay.

LÊ PHƯƠNG.

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/loai-rau-nau-ngot-khong-can-cho-mi-chinh-cuc-ngon-gion-nhung-chi-an-sai-mot-buoc-gan-de-bi-ton-thuong-a607822.html