Vốn chủ dương, Đạm Hà Bắc (DHB) được đưa ra khỏi diện hạn chế giao dịch

Dù kết thúc năm 2023 với doanh thu và lợi nhuận đồng loạt sụt giảm, nhưng CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (UPCoM: DHB) vẫn có nhiều điểm sáng khi vốn chủ sở hữu trở lại mức dương, cổ phiếu được đưa ra khỏi diện hạn chế giao dịch.

Doanh thu, lợi nhuận đồng loạt giảm sút

Theo báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán năm 2023, DHB ghi nhận doanh thu thuần 4.413 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ. Với giá vốn hàng bán tăng mạnh gần 1.000 tỷ đồng lên 4.428 tỷ đồng, lợi nhuận gộp ở mức âm 15,2 tỷ đồng, trong khi năm trước lãi tới 2.834 tỷ đồng.

Trong năm, doanh thu tài chính giảm 70% về 12,2 tỷ đồng, cùng việc lợi nhuận gộp âm nên dù đã cắt giảm đáng kể các chi phí tài chính, chi phí bán hàng, công ty vẫn ghi nhận lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 944,7 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 1.776 tỷ đồng).

Tuy nhiên, phần lớn nhờ thu nhập từ chi phí lãi vay được xóa, giảm lãi suất ghi nhận trong năm nên lợi nhuận khác của công ty đạt 1.803 tỷ đồng. Nguyên nhân do doanh nghiệp có đề án tái cơ cấu các khoản vay nợ đầu tư tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đã chính thức được phê duyệt, tổng số tiền 1.802 tỷ đồng đã được hạch toán vào thu nhập khác của công ty.

Chính khoản lợi nhuận khác này đã góp phần lớn giúp công ty báo lãi sau thuế 858,2 tỷ đồng, giảm 52% so với khoản lãi kỷ lục 1.779 tỷ đồng năm 2022. Đây là năm thứ 3 liên tiếp công ty báo lãi trở lại, kể từ giai đoạn 2015 - 2020 thua lỗ triền miên.

tai-xuong-1711080322.png
 

Dù vậy, mức lợi nhuận ròng này không thể giúp DHB hoàn thành kế hoạch đề ra trong năm 2023. Cụ thể, doanh nghiệp chỉ hoàn thành 96% mục tiêu doanh thu và 92% mục tiêu lợi nhuận.

Giải trình nguyên nhân, DHB cho rằng tình hình tiêu thụ của công ty gặp khó khăn do giá bán Urê, NH3 giảm mạnh theo giá thế giới và duy trì ở mức thấp, cạnh tranh gay gắt giữa các đơn vị sản xuất trong nước và sản phẩm nhập khẩu.

Bên cạnh đó, giá than, vật tư, nguyên liệu đầu vào vẫn ở mức cao, nguồn than trong nước luôn trong tình trạng thiếu hụt kéo theo giá thành phẩm tăng cao. Những nguyên nhân này đã khiến doanh thu cũng như lợi nhuận năm 2023 của công ty giảm mạnh.

 

Vốn chủ dương, cổ phiếu được đưa ra khỏi diện hạn chế giao dịch

Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của DHB giảm 12% về 6.745 tỷ đồng, phần lớn là các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn tổng cộng 974 tỷ đồng (chiếm 14,4% tổng tài sản), hàng tồn kho 606,4 tỷ đồng (chiếm 8,9%) và tài sản cố định 4.064 tỷ đồng (chiếm 60%).

Phía bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của doanh nghiệp giảm gần 1.700 tỷ đồng về 6.134 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn giảm từ 6.254 tỷ đồng về 1.080 tỷ đồng, thế nhưng nợ dài hạn lại tăng từ 1.579 tỷ đồng lên 5.053 tỷ đồng. Nổi bật có khoản phải trả lãi vay cho VDB chi nhánh Khu vực Bắc Đông Bắc 2.388 tỷ đồng, vay dài hạn Vietinbank chi nhánh Bắc Giang 1.344 tỷ đồng và VDB chi nhánh khu vực Bắc Đông Bắc 1.270 tỷ đồng.

Đáng chú ý, sau nhiều năm liên tiếp vốn chủ sở hữu ở mức âm (giai đoạn 2019 – 2022) thì đến cuối năm 2023, vốn chủ của DHB ghi nhận dương 611,6 tỷ đồng, chủ yếu nhờ hưởng lợi từ khoản lãi kỷ lục năm 2022, khoản lãi lớn năm 2023 và các khoản tăng khác.

Nhờ vốn chủ sở hữu đã về mức dương, ngày 21/03/2024, sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã ra Quyết định số 145/QĐ-SGDHN về việc đưa cổ phiếu DHB ra khỏi diện hạn chế giao dịch. Quyết định sẽ có hiệu lực từ ngày 25/03/2024.

Thế nhưng, cùng ngày, HNX cũng đưa ra Quyết định số 146/QĐ-SGDHN về việc duy trì cảnh báo đối với cổ phiếu của DHB. Nguyên nhân đưa ra là BCTC của công ty bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ 3 năm liên tiếp trở lên.

Lời giải trình về ý kiến kiểm toán ngoại trừ

Trong BCTC năm 2023 của DHB, công ty TNHH Kiểm toán và Dịch vụ Tin học Moore AISC đã đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ về việc quyết toán dự án hoàn thành dự án Cải tạo, mở rộng nhà máy Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc.

1-1711017169.png

Nguồn: BCTC 2023 của DHB.

Theo DHB, công ty đã thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam về tiến độ quyết toán dự án hoàn thành xong trong năm 2017. Đến ngày 01/12/2017, công ty đã hoàn thiện báo cáo quyết toán dự án hoàn thành dự án Cải tạo, mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc, trong đó hợp động EPC tự quyết toán.

Đồng thời, trong thời gian qua, công ty vẫn tiếp tục phối hợp, đôn đốc Nhà thầu để hoàn thiện hồ sơ quyết toán. Tuy nhiên, đến nay, hai bên vẫn chưa thống nhất một số nội dung vướng mắc, do vậy chưa thể quyết toán A-B hợp đồng EPC và chưa đủ cơ sở phê duyệt quyết toán dự án, cũng như chưa xác nhận được với nhà thầu về các khoản công nợ liên quan.

Được biết, CTCP Phân đạm và Hóa Chất Hà Bắc (DHB) có tiền thân là nhà máy Phân Đạm Hà Bắc được khởi công xây dựng từ năm 1960. Công ty hoạt động chính trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân đạm Urê và các loại phân bón; sản xuất, kinh doanh hóa chất, amoniac lỏng, Cácbon điôxít (lỏng, rắn) và các sản phẩm khí công nghiệp…

Xem thêm: Thủy điện Nậm Pia ghi nhận lợi nhuận sụt giảm trong năm 2023

Ngọc Bảo

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/von-chu-duong-dam-ha-bac-dhb-duoc-dua-ra-khoi-dien-han-che-giao-dich-a608026.html