Do đời sống kinh tế phát triển, nhu cầu làm đẹp của con người ngày càng cao là lẽ tất yếu. Ai cũng có quyền đến các viện thẩm mỹ sử dụng thuốc, các chất gây tê, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người làm thay đổi hình dạng, khắc phục khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể… giúp mình đẹp hơn, hoàn hảo hơn. Đó không có gì xấu, cũng chẳng phải lựa chọn sai.
Thế nhưng, thực tế đã xảy ra nhiều vụ việc cơ sở thẩm mỹ viện vì lợi nhuận mà bất chấp tính mạng của khách hàng, sử dụng người hành nghề không được cấp phép hoạt động hay cố tính thực hiện kỹ thuật tiêm, phẫu thuật thẩm mỹ “chui”, hậu quả rất đau lòng. Đây mới là thực trạng đáng báo động.
Vụ việc bà N.T.T.L (70 tuổi, quốc tịch Mỹ, tạm trú tại quận 3, TP.HCM) tử vong khi đi làm đẹp tại bệnh viện Thẩm mỹ JK Nhật Hàn dù bệnh viện có giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh số 188/BYT-GPHĐ do Bộ Y tế cấp ngày 29/5/2023, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho vấn đề quản lý các cơ sở thẩm mỹ trên toàn quốc.
Nhìn lại những vụ việc tai biến sau làm đẹp thời gian qua có thể thấy một “mẫu số chung” là công tác quản lý còn lỗ hổng, cấp phép nhiều nhưng hậu kiểm gần như không có. Đáng nói, có những vụ việc xảy ra hậu quả thì chính quyền mới kịp phát hiện đó là cơ sở hoạt động sai phép. Còn đa phần các lần kiểm tra theo định kỳ đều có báo cáo rất chi tiết và rõ ràng về việc “không phát hiện ra sai phạm”.
Trao đổi với PV, ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, vụ việc xảy ra tại bệnh viện Thẩm mỹ JK Nhật Hàn vừa qua một lần nữa cho thấy, vấn đề cấp giấy phép cho hoạt động thẩm mỹ cũng như giấy phép hành nghề cho cán bộ thực hiện phẫu thuật, đặc biệt là các cơ sở có yếu tố người nước ngoài, cần phải gắn chặt với công tác hậu kiểm.
“Tôi nghĩ các cơ quan chức năng cần làm rõ cả việc trước khi cấp phép thì những điều kiện để hoạt động của bệnh viện Thẩm mỹ JK Nhật Hàn thế nào, có đáp ứng đầy đủ thực chất hay không? Bởi, ngành phẫu thuật thẩm mỹ liên quan trực tiếp đến tính mạng của con người. Nếu người hành nghề không có chuyên môn nghiệp vụ, cơ sở vật chất yếu kém, thiếu trang thiết bị cần thiết, khi sự cố xảy ra khó đảm bảo cấp cứu kịp thời, thì rất nguy hiểm”, ông Hòa nói.
“Nhưng cấp phép là một chuyện, sau cấp phép, công tác hậu kiểm hoạt động của cơ sở thẩm mỹ mới là cực kỳ quan trọng. Đừng để tình trạng khi có sự cố y khoa xảy ra thì mới cử người đến kiểm tra, rà soát, bởi hậu quả khi mất một mạng người sẽ không thể làm lại được”, vị ĐHQH nói thêm.
Cũng theo ý kiến của ông Hòa: “Những vụ việc như ở bệnh viện Thẩm mỹ JK Nhật Hàn, nếu kết luận là do chuyên môn kém hoặc sai sót từ phía Bệnh viện thì tôi nghĩ các cơ quan y tế sẽ có sự liên đới trách nhiệm, đặc biệt là cơ quan thanh kiểm tra và đơn vị cấp phép hành nghề. Phải làm rõ họ có thể hiện hết trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, đảm bảo rằng cơ sở hoạt động đúng phạm vi chuyên môn đã được cấp phép hay không”.
Để các cơ sở thẩm mỹ nói chung không dám làm sai, không thể làm sai, theo ông Hòa, điều quan trọng là vấn đề hậu kiểm sau cấp phép được làm thường xuyên, thực chất, tránh hình thức, buông lỏng, kiểm tra trên giấy tờ.
“Cần thiết sớm làm rõ nguyên nhân khiến người phụ nữ tử vong sau khi làm đẹp tại bệnh viện Thẩm mỹ JK Nhật Hàn, công khai lên các phương tiện thông tin đại chúng để chị em phụ nữ mong muốn làm đẹp có sự lựa chọn phù hợp và an toàn cho bản thân mình. Thêm nữa, cũng cần công khai cả về kết quả hậu kiểm hoạt động cơ sở làm đẹp sau cấp phép có đảm bảo không hay không kiểm tra, buông lỏng quản lý, người đứng tên thì đủ giấy phép còn người trực tiếp cầm dao kéo lại không có trình độ?”, vị ĐBQH đặt ra một loạt băn khoăn.
Nhật Hạ
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/dbqh-can-som-lam-ro-nguyen-nhan-benh-nhan-tu-vong-tai-bv-tham-my-jk-nhat-han-a608154.html