Hiện có rất nhiều loại rau vào mùa thu hoạch, trong đó có rau dền đỏ. Rau này có nhiều công dụng với sức khỏe, đặc biệt giúp ích cho việc thanh nhiệt, giải độc cũng như rất có lợi cho đường tiêu hóa.
Lương y Bùi Đắc Sáng (Hội Đông y Hà Nội) cho biết, rau dền đỏ có vị ngọt, tính hàn, giúp thanh nhiệt, mát gan, ích khí. Rau dền còn chứa nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, có tác dụng ổn định đường huyết, kháng viêm và cải thiện hoạt động của hệ tiêu hóa, ngăn ngừa loãng xương, giảm cholesterol máu…
Theo ông Sáng, có nhiều loại rau dền có thể sử dụng làm rau ăn như dền cơm, dền gai, dền trắng… Tuy nhiên, rau dền đỏ được cho là chứa nhiều hàm lượng dinh dưỡng cao hơn cả, đặc biệt là lượng canxi và sắt.
Rau dền đỏ có giá rẻ, rất giàu dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa.
Theo bảng thành phần thực phẩm Việt Nam (Viện Dinh dưỡng), trong 100g rau dền đỏ có khoảng 5,40mg sắt, nhiều gấp 4 lần so với thịt bò (100g thịt bò nạc cung cấp khoảng 1,78mg sắt)
Không chỉ vậy, hàm lượng canxi trong rau dền đỏ cũng rất dồi dào, cứ 100g rau dền đỏ có 288mg canxi, đủ đáp ứng 50% canxi cho một người mỗi ngày. Chính vì giàu canxi nên loại rau này được ví là viên canxi tự nhiên dành cho trẻ em.
Cũng theo ông Sáng, trong đông y, rau dền đỏ cũng có thể dùng làm thuốc hỗ trợ điều trị một số bệnh như tăng huyết áp. Cách làm: Dùng rau dền đỏ 20g, lá mã đề non 20g, lá dâu bánh tẻ 20g. Tất cả rửa sạch, cho vào nồi nấu canh, thêm gia vị vừa ăn, dùng hằng ngày, với 10 ngày 1 liệu trình.
Phụ nữ sau sinh nóng trong, bị táo bón cũng có thể dùng dền đỏ 50g, rửa sạch thái khúc, nấu chín, bỏ bã lấy nước, thêm gạo nếp nấu thành cháo, ăn trong ngày, 5 ngày một liệu trình.
BSCK II Huỳnh Tấn Vũ (BV Đại học Y dược TP HCM cơ sở 3) cũng cho rằng, rau dền đỏ không chỉ có màu sắc bắt mắt và ngon miệng, mà còn giúp mát gan, giải nhiệt rất tốt. Dù vậy, vị chuyên gia này cũng khuyến cáo một vài lưu ý khi sử dụng để không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Dù rau dền rất tốt nhưng nếu ăn nhiều hoặc ăn sống sẽ rất nguy hiểm, nhất là với hai quả thận. Ảnh minh họa.
Theo đó, phụ nữ mang thai, người bị viêm khớp dạng thấp, bệnh gút hay sỏi thận thì không nên dùng. Ngoài ra, không nên ăn sống rau dền để tránh ngộ độc. Bác sĩ Vũ cho biết, với nhiều loại rau thì ăn sống sẽ giữ được nhiều dinh dưỡng hơn, nhưng với rau dền, ăn sống có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Lý do là, rau dền là một thực phẩm tính mát, khi ăn sống dễ gây tình trạng tì vị hư hàn, làm tăng sự kích thích tới tì vị dạ dày, gây khó tiêu, đầy hơi và tiêu chảy.
Đặc biệt, ăn sống rau dền sẽ ảnh hưởng đến sự hấp thụ canxi. Lá rau dền rất giàu canxi, dễ dàng được cơ thể hấp thụ nhưng chúng cũng chứa khá nhiều axít oxalic, vì thế nếu ăn sống, lượng axít oxalic kết hợp với canxi tạo thành canxi oxalate không hòa tan, ảnh hưởng đến sự hấp thụ canxi của cơ thể. Ngoài ra, mọi người cũng không nên dùng rau dền để xay nước uống kiểu sinh tố hay nước ép.
Thậm chí, khi rau dền đã nấu chín, nếu ăn nhiều, lượng axít oxalic trong rau cũng ảnh hưởng tới sự ức chế hấp thu canxi và kẽm, đồng thời dễ hình thành các sỏi oxalate gây nên sự hình thành sỏi thận. Vì thế, những người bị viêm khớp dạng thấp, bệnh gút hay bệnh sỏi thận không nên sử dụng rau dền. Mọi ngời đều chỉ nên ăn rau dền với lượng vừa đủ, khoảng 3-4 bữa/tuần và nên nấu chín trước khi ăn.
LÊ PHƯƠNG.