Vụ học sinh lớp 8 bị đánh chết não: Phụ huynh hoang mang mách nhau dạy con “bị đánh bằng mọi giá đừng đứng im chịu?”

Nhiều bậc cha mẹ cho rằng việc con báo cáo với giáo viên khi bị đánh là không có tác dụng. Vì thế họ ủng hộ việc con phản kháng bằng cách đánh lại bạn.

Bắt nạt, bạo lực có thể xảy ra với trẻ ở mọi lứa tuổi, mọi không gian. Về vấn đề này, vụ việc bé trai lớp 8 (ở Long Biên, Hà Nội) bị bạn gọi người thân đến đánh tới mức chấn thương sọ não, phải nhập viện và đang trong tình trạng nguy kịch gây xôn xao dư luận, nhất là những người làm cha làm mẹ. Cũng từ đó, câu chuyện dạy con thế nào khi bị bạn bắt nạt, đánh đập cũng được đưa ra tranh luận.

Ảnh minh họa

Trên mạng xã hội Tik Tok lan truyền một chia sẻ đến từ tài khoản onggiao... (chủ tài khoản được cho là của một giáo viên dạy tiếng Anh). Chia sẻ này có nhắc đến việc hướng dẫn cho các bậc phụ huynh cách giáo dục con cái ứng xử như thế nào khi bị bạn đánh.

Cụ thể, chủ tài khoản này cho rằng "Hãy giáo dục con bạn: Nếu bạn bè chủ động đánh con, nếu con thấy có khả năng hãy mạnh dạn đấm lại, người ta đấm con 10, ít nhất con đấm lại 5 và bỏ chạy thật nhanh nếu yếu thế.

Bằng mọi giá không van xin quỳ lại và đứng im cho bạn đánh... Vì bạn đánh con là bạn xem con không là bạn và cũng không là con người nên cũng hãy xem bạn như một con vật. Lúc này phải chống trả để bảo toàn tính mạng".

Ảnh chụp màn hình từ tài khoản onggiao...

Trước lời khuyên của chủ tài khoản này, phía dưới phần bình luận, rất nhiều bậc cha mẹ đã đưa ra những tranh luận khác nhau.

Một luồng ý kiến cho biết họ đã dạy con nên bỏ chạy khi bị bạn đánh và tuyệt đối không được đánh lại bạn.

Tuy nhiên số khác lại cho rằng họ dạy con nên thông báo tới cô giáo, nhà trường khi bị bạn học đánh.

Một vài phụ huynh đã có con em gặp tình huống bị bạn học đánh, báo với nhà trường thì lại cho rằng đánh trả lại bạn là biện pháp tốt nhất. Bởi việc thông báo với nhà trường đôi khi không kịp.

Một cư dân mạng có kinh nghiệm khi làm giáo dục mẫu giáo ở Đức lại có chia sẻ khác về cách các giáo viên tại đất nước này ứng phó khi thấy học sinh đánh nhau.

Thực tế, sự bắt nạt gây tổn thương tinh thần và thể chất rất lớn đối với trẻ. Vì vậy, là bố mẹ, chúng ta cần đối mặt với tình huống này một cách nghiêm túc, đảm bảo rằng con trẻ được hỗ trợ và bảo vệ kịp thời, tránh những hậu quả khó lường về sau.

Theo lời khuyên của các chuyên gia tâm lý, khi trẻ bị bắt nạt, 5 phương pháp sau có thể giải quyết vấn đề tốt hơn việc bố mẹ dạy trẻ đánh trả:

Nhận định tình hình thực tế và đặt sự an toàn của chính con lên hàng đầu

Khi trẻ bị bắt nạt, không nên khuyến khích việc đánh lại. Thay vào đó, điều quan trọng nhất là bố mẹ dạy trẻ đặt sự an toàn lên hàng đầu và đánh giá tình hình một cách khách quan.

Việc đánh lại có thể mang đến những hậu quả nghiêm trọng cho trẻ. Trẻ có thể gặp phải kẻ bắt nạt mạnh hơn và việc sử dụng bạo lực chỉ làm tăng nguy cơ tổn thương cho cả hai bên. Hơn nữa, việc đánh lại chỉ là một phản ứng nhất thời và không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Trong tình huống này, việc quan trọng nhất là bố mẹ dạy trẻ bảo vệ sự an toàn của bản thân, tránh tiếp xúc mắt và cơ thể với đối phương. 

Khi trẻ trở về nhà và kể cho bố mẹ biết rằng mình bị người khác bắt nạt, trước hết bố mẹ nên bình tĩnh, phản ứng nhẹ nhàng và để trẻ kể chi tiết về những gì đã xảy ra. Sau đó, hãy thảo luận với trẻ về cách giải quyết vấn đề và đánh giá xem liệu có cần giáo viên tại trường giúp đỡ hay không.

Đồng thời, bố mẹ hãy khuyến khích trẻ thể hiện lòng can cảm bằng cách nói "không" với hành vi bắt nạt. Điều này có thể ngăn người bắt nạt tái phạm trong tương lai. Vì nếu một số trẻ thích sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề, cuộc sống của trẻ sau này có thể bị lệch lạc theo hướng tiêu cực.

Thiết lập những mối quan hệ bạn bè thật tốt

Việc kết bạn và xây dựng mối quan hệ xã hội là một phần quan trọng trong quá trình phát triển và trưởng thành của trẻ. Tuy nhiên, nếu một đứa trẻ thường không thích kết bạn mà chỉ lủi thủi một mình, điều này có thể khiến trẻ dễ thu hút đối tượng bắt nạt. 

Ngược lại, khi trẻ có kỹ năng xã hội tốt, trẻ có thể tạo ra và duy trì các mối quan hệ lành mạnh. Có một nhóm bạn bè đáng tin cậy và hỗ trợ, trẻ sẽ tìm thấy sự an toàn và giúp đỡ kịp thời trong những lúc khó khăn. Những người bạn tốt sẽ đứng về phía trẻ khi trẻ gặp phải tình huống bắt nạt, và cùng nhau chống lại những hành vi bắt nạt một cách đoàn kết nhất.

Để xây dựng mối quan hệ bạn bè tích cực, trẻ cần quan sát tính cách của mình và chọn kết bạn với những người có cùng chí hướng và giá trị. Bạn bè có chung mục tiêu học tập tích cực, thái độ cầu tiến và đam mê tiến bộ sẽ tạo ra một môi trường khích lệ, động lực cho trẻ. Trong khi đó, trẻ nên tránh kết bạn với những người có hành vi xấu hoặc tiêu cực, vì điều này có thể ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển và trải nghiệm xã hội của bản thân.

Nên để con tự giải quyết vấn đề dưới sự giám sát của bố mẹ

Nếu tình huống không nghiêm trọng, giữa các bạn cùng lớp có mâu thuẫn nhỏ, không bên nào cố ý và cũng không dẫn đến hệ luỵ tiêu cực nào thì bố mẹ tuyệt đối đừng làm ầm ĩ lên. Bởi một khi bố mẹ vào cuộc và khiến cho sự việc trở nên lớn hơn thì mối quan hệ giữa trẻ và bạn bè sẽ ngày càng xa cách, rạn nứt.

Bố mẹ cần lưu ý rằng, chỉ khi con trẻ gặp phải việc gì đó đòi hỏi bố mẹ phải đứng ra giải quyết giúp thì lúc đó bố mẹ hãy can thiệp. Còn nếu không thì nên để con học cách tự giải quyết vấn đề của bản thân, để trẻ không hình thành tư tưởng lệ thuộc và thiếu kỹ năng tự lập.

Tất nhiên, những tình huống cụ thể cần phải được phân tích theo từng trường hợp cụ thể. Nếu trẻ còn rất nhỏ, chẳng hạn như mới vào mẫu giáo, đôi khi xảy ra xô đẩy, xung đột với bạn bè là việc hết sức bình thường. Lúc này, phụ huynh nên liên hệ với giáo viên để hiểu rõ tình hình, và bảo vệ sự an toàn của con trẻ bằng cách sao cho phù hợp nhất.

Tăng cường rèn luyện thể chất cùng con

Bố mẹ có thể cùng con tập luyện ở nhà, bằng cách đắp bao cát lớn để trẻ tập đấm bốc và tích lũy kinh nghiệm thực tế. Điều này có thể giúp con trẻ không cảm thấy bối rối nếu bị người khác đánh mà bản thân chỉ biết đứng im chịu trận, không có chút kỹ năng né tránh hay phòng vệ.

Ngoài ra, bố mẹ có thể tổ chức chơi trò chơi giả định với con, trong đó bố mẹ đóng vai kẻ bắt nạt và trẻ sẽ đóng vai người bị bắt nạt, để con có thể hình dung và hiểu tình huống thực tế hơn, từ đó biết cách đối phó với trường hợp bị bắt nạt.

Nếu gia đình có điều kiện, tốt nhất bố mẹ hãy cân nhắc việc cho trẻ đi học võ hoặc các lớp bồi dưỡng kỹ năng mềm chống bắt nạt học đường. Điều này sẽ tạo cho con hành trang vững vàng để đối diện một cách tự tin, mạnh mẽ và khôn khéo khi rơi vào tình huống bắt nạt.

CHI CHI

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/vu-hoc-sinh-lop-8-bi-danh-chet-nao-phu-huynh-hoang-mang-mach-nhau-day-con-bi-danh-bang-moi-gia-dung-dung-im-chiu-a608363.html