Quy định về thang lương, bảng lương, phụ cấp lương trong DNNN
Nội dung này được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 21/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 51/2016/NĐ-CP quy định về quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và Nghị định 52/2016/NĐ-CP quy định về tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, có hiệu lực từ ngày 10/4/2024.
Theo đó, Nghị định 21/2024/NĐ-CP sửa đổi Điều 4 Nghị định 51/2016/NĐ-CP quy định về thang lương, bảng lương, phụ cấp lương đối với người lao động làm việc trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ như sau:
- Căn cứ vào tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, công ty xây dựng và ban hành thang lương, bảng lương, phụ cấp lương làm cơ sở để xếp lương, trả lương và thực hiện các chế độ đối với người lao động theo quy định của pháp luật lao động.
- Các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương do công ty quyết định, nhưng phải bảo đảm quỹ tiền lương tính theo các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương không được vượt quá quỹ tiền lương kế hoạch của người lao động theo quy định.
- Khi xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, công ty phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định, báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu cho ý kiến và công khai tại công ty trước khi thực hiện.
(Hiện hành tại Điều 4 Nghị định 51/2016/NĐ-CP quy định: Công ty xây dựng và ban hành thang lương, bảng lương, phụ cấp lương theo Nghị định 49/2013/NĐ-CP làm căn cứ để xếp lương, trả lương và thực hiện chế độ đối với người lao động theo quy định của pháp luật lao động).
Danh mục vị trí công tác thuộc lĩnh vực y tế phải thực hiện định kỳ chuyển đổi với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý
Từ ngày 15/4/2024, Thông tư 01/2024/TT-BYT quy định về danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị thuộc Bộ Y tế và thuộc phạm vi quản lý trong lĩnh vực y tế tại địa phương, bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Theo đó, các vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi là tiếp nhận hồ sơ, xử lý và trình cấp có thẩm quyền quyết định: cấp mới, cấp lại, điều chỉnh, thu hồi, gia hạn, thay đổi, bổ sung, công bố các loại giấy phép, giấy đăng ký, giấy chứng nhận, giấy xác nhận, chứng chỉ, số phiếu tiếp nhận hồ sơ; ban hành danh mục, chương trình, tài liệu thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước về y tế.
Đơn cử trong lĩnh vực y tế dự phòng gồm có:
- Giấy chứng nhận cơ sở xét nghiệm đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp III, cấp IV;
- Giấy phép nhập khẩu mẫu bệnh phẩm;
- Số đăng ký lưu hành, giấy phép nhập khẩu, giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế;
- Giấy xác nhận nội dung quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế;
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện xét nghiệm khẳng định các trường hợp HIV dương tính;
- Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy, giấy xác nhận công bố phù hợp quy định đối với thuốc lá;
- Giấy phép hoạt động đối với phòng khám, điều trị bệnh nghề nghiệp.
Xem thêm: 3 trường hợp phải tạm dừng hưởng trợ cấp xã hội, lương hưu trong năm 2024
Minh Khuê (t/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nhung-chinh-sach-ve-tien-luong-phu-cap-cua-cong-chuc-co-hieu-luc-tu-thang-42024-a608365.html