Gửi video cho phụ huynh nhưng quên tắt tiếng, cô giáo mầm non ở Kon Tum vô tình để lộ câu nói gây phẫn nộ

Rất nhiều bậc cha mẹ đã sốc khi nghe được những gì cô giáo nói vì nó không phải là những câu nói phù hợp với một người làm nghề.

Tham gia thực hành, trải nghiệm thực tế ngay tế ngay tại lớp học là hình thức giảng dạy được nhiều trường mầm non đưa vào chương trình học cho các em học sinh. Từ đó cô giáo có thể ghi hình lại và gửi cho các bậc phụ huynh để họ biết được quá trình học tập tại lớp của các con ra sao. Điều này được cả phía học sinh, giáo viên và phụ huynh hiện đại đều vô cùng thích thú.

Tuy nhiên mới đây, một tình huống "oái oăm" đã xảy ra với một cô giáo vô tình để lộ những bất cập trong việc dạy học sinh cũng như khiến nhiều phụ huynh bất ngờ.

Cụ thể, một clip được lan truyền trên nhiều nền tảng mạng xã hội từ một tài khoản nguồn là Trần Thị L.X. Đoạn video ghi lại cảnh hai em học sinh mầm non đang được thực hành xiên những miếng hoa quả cắt sẵn vào que. Động tác này giúp trẻ hình thành các kĩ năng khéo léo của đầu ngón tay và lực ở bàn tay.

Ảnh chụp màn hình.

Tuy nhiên nội dung khiến nhiều người chú ý không phải là ở việc thực hành khéo léo của 2 em học sinh mà lại ở tiếng nói của cô giáo - người đang trực tiếp quay hai em học sinh.

Cụ thể, thông thường khi các giáo viên quay hình ảnh thực tế nhưng sau đó sẽ tắt tiếng hoặc lồng nhạc vui nhộn, nhí nhảnh vào trước khi gửi đến phụ huynh. Nhưng có lẽ cô giáo mầm non này đã quên làm điều đó mà gửi trực tiếp cho phụ huynh dẫn đến việc toàn bộ những câu nói có phần không được lịch sự, văn minh, đúng tính chất người nhà giáo đã bị lộ ra.

Theo đó cô giáo liên tục có những câu nói gây xúc phạm, mắng chửi hai em học sinh như "...cầm chỗ cái cây sao mà ng* vậy?", "**ẹ nó cầm miếng khác"... Bên cạnh những câu nói ra lệnh đều là những câu quát tháo nặng nề của người giáo viên dành cho hai em học sinh này chứ không phải là những lời nói nhẹ nhàng chỉ bảo như mọi người vẫn hình dung.

Cô giáo liên tục dùng lời lẽ quát nạt trẻ. Ảnh chụp màn hình

Ngay sau đoạn clip được đăng tải, nhiều cư dân mạng đã lan truyền trên nhiều nền tảng xã hội khác nhau và đồng loạt bày tỏ sự ngỡ ngàng xen lẫn bức xúc trước hành vi của cô giáo dạy trẻ này. Theo tìm hiểu, video này được quay tại một trường mầm non tư thục tên H.T.N trên địa bàn TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum).

Một số người cho rằng không biết ngoài những câu nói gây tính sát thương, ảnh hưởng tâm lý như thế này thì thực tế "hậu trường", các cô giáo còn có những hành động phản cảm nào khác dành cho học sinh. Nhiều bậc phụ huynh sau khi xem xong đoạn clip đều cảm thấy hoang mang, lo lắng cho chính con em của mình cũng đang theo học tại các trường mẫu giáo khác, không biết bé có bị đối xử như thế khi đi học hay không.

Nhiều phụ huynh phát hiện hành vi bất thường của chính 2 em học sinh trong clip và lo lắng sâu xa hơn.

Nhiều cô giáo mầm non cũng thừa nhận việc quát mắng trẻ là điều có thể xảy ra nhưng chỉ dừng ở mức to tiếng và dạy trẻ chứ tuyệt đối không được dùng những lời lẽ như thế, gây ảnh hưởng tới tâm lý của bé.

Thực tế tất cả các bậc phụ huynh đều cho rằng việc cô giáo tức giận quát mắng trẻ là điều không thể tránh khỏi bởi thực tế có những trẻ hiếu động, nghịch ngợm và có những trẻ tiếp thu kém hay cố tình làm ngược lại lời giáo viên nói. Điều đó gây ức chế cho người dạy.

Tuy nhiên các cô giáo chỉ nên dừng ở việc phạt trẻ một cách phù hợp còn dùng lời lẽ xúc phạm hay ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần của đứa trẻ là điều không thể chấp nhận được.

Trẻ thường xuyên bị la mắng, xúc phạm có ảnh hưởng như thế nào?

Trẻ sống hướng nội

Những đứa trẻ hay bị la mắng lâu dần trẻ sẽ học cách im lặng, không còn cãi lời cha mẹ, thầy cô, về sau sẽ hình thành thói quen im lặng.

Điều này cũng dẫn đến việc trẻ hình thành tính cách hướng nội, không thích nói ra tiếng nói riêng, sợ bị phản bác, đồng thời không giỏi và không biết cách giao tiếp với người khác.

Trẻ cảm thấy bất an

Nhiều cha mẹ, thầy cô lầm tưởng rằng trong quá trình dạy dỗ trẻ, chỉ cần không đánh đòn là được, la mắng trẻ không có gì sai cả. Tuy nhiên, trẻ thường xuyên bị la mắng sẽ nghĩ rằng bố mẹ, cô giáo không thương mình nên thường cảm thấy lo lắng.

Việc la mắng giống như nhát dao đâm vào tim trẻ, khiến trẻ tổn thương về cảm xúc lẫn tinh thần, để lại bóng đen tâm lý trong trẻ. Nhiều trẻ đã hình thành nhân cách cực đoan vì luôn bị la mắng bất an và bi quan với cuộc sống.

Trẻ không tự tin

Khi bị la mắng, trẻ sẽ vô cùng sợ hãi, tự ti, cha mẹ thường thấy rằng mỗi lần bị mắng, trẻ thường không nói nên lời. Và nghĩ rằng đây cách dạy con này là hiệu quả nhưng lại không biết nó gây tổn thương trầm trọng đến tâm hồn trẻ

Mặc dù đã hoàn thành tốt công việc nhưng trẻ vẫn cảm thấy thiếu tự tin, có xu hướng mặc cảm. Lâu dần về sau trẻ sẽ dễ đối mặt với thất bại nhiều hơn vì không có lòng tin và chấp nhận sự kém cỏi của bản thân thay vì cố gắng hon.

Trẻ không biết từ chối

Khi não bộ của trẻ tiếp nhận những lời khiển trách và la mắng trong thời gian dài thì sức mạnh tinh thần của trẻ thường yếu dần đi, lâu dần trẻ khép kín, không thích giao tiếp với xã hội nên khó học được các kỹ năng cơ bản như từ chối điều gì đó từ ai.

Nếu trẻ không được học những kỹ năng trên điều này lâu dần sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống xã hội và gia đình của trẻ trong tương lai. Trẻ sẽ có lòng tin một cách mù quáng, không biết phải từ chối như thế nào và dễ bị bắt nạt.

Không chịu đi học, nhìn thấy mẹ là đòi về ngay

Trẻ nhỏ thường phản kháng khi cha mẹ bắt đi học. Đó là một tình huống hết sức bình thường. Tuy nhiên, nếu sự phản kháng của trẻ là vô cùng dữ dội như ôm chặt mẹ, giãy giụa khi mẹ giao bé cho cô giáo hay mỗi lần được mẹ đón đều chạy tới và đòi về ngay lập tức... thì là dấu hiệu bất bình thường. Hãy quan sát ánh mắt của trẻ và ánh mắt của cô giáo trong những trường hợp này để nhận ra được nguyên do thực sự.

Cha mẹ cũng có thể dựa vào những biểu hiện khác thường trên của con để kịp thời nhận ra những vấn đề con đang gặp phải và giúp đỡ bé.

CHI CHI

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/gui-video-cho-phu-huynh-nhung-quen-tat-tieng-co-giao-mam-non-o-kon-tum-vo-tinh-de-lo-cau-noi-gay-phan-no-a608595.html