Ngày nào cũng uống thứ nước này, 3 năm sau cô gái 19 tuổi khóc nức nở nhận tin bị suy thận giai đoạn cuối

Nhận kết quả xét nghiệm cho thấy mình đã bị suy thận giai đoạn cuối, Trâm vừa sợ vừa hối hận. Hiện cô phải từ bỏ giấc mơ đi xuất khẩu lao động để lọc máu suốt đời nếu không tìm được nguồn thận thay thế.

Chỉ uống 2 ly nước lọc/ngày nhưng uống nhiều nước ngọt có ga

Ngày 21/4, Lê Hoàng Bảo Trâm (19 tuổi, ở Hà Tĩnh) chia sẻ thông tin mình bị suy thận giai đoạn cuối lên một nhóm về bệnh thận. Ngoài chia sẻ kết quả xét nghiệm của mình, Trâm còn thắc mắc: “Tôi không bị sưng phù, tiểu tiện không có máu, không đau rát nhưng tại sao lại bị suy thận”.

Hiện Trâm phải chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh và rất buồn, hối hận. Trâm thừa nhận, trước đây mình ít uống nước, thích uống nước ngọt có ga, trà sữa và thường xuyên thức khuya. “Tôi có thói quen ít uống nước từ ngày còn nhỏ. Mỗi ngày, tôi chỉ uống 2 ly nước lọc nhưng không thấy khát. Thấy sức khỏe bình thường, ít bị bệnh nên tôi càng chủ quan”, Trâm vừa khóc vừa nói.

Uống nước ít nhưng mỗi ngày Trâm uống 1 lon nước ngọt có ga hoặc 1 ly trà sữa. Ảnh minh họa.

Thay vào đó, Trâm thích uống nước ngọt, nhất là nước ngọt có ga. Cô bắt đầu uống mỗi ngày 1 lon nước ngọt từ năm 16 tuổi. Dù đọc cảnh báo uống nước ngọt nhiều không tốt, nhưng thấy sức khỏe bình thường, Trâm không lo lắng hay nghĩ mình phải ăn uống lành mạnh hơn.

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Trâm không học lên đại học, mà đi làm công nhân và học tiếng Hàn chuẩn bị cho đi xuất khẩu lao động. Khi làm việc mệt, lại ăn ít cô uống nước ngọt nhiều hơn bình thường. Cùng với đó, Trâm còn có thói quen thức khuya. “Ngày nào tôi cũng thức đến 11-12 giờ đêm xem điện thoại. Khi nào thật mệt, tôi mới buông điện thoại ra rồi đi ngủ”, Trâm thừa nhận.

Từ đầu tháng 1 vừa qua, Trâm thường xuyên bị nôn, nhất là khi ăn các thức ăn khó tiêu. Do không đi khám sức khỏe và thấy nôn xong sức khỏe bình thường, Trâm không lo lắng.

Cho đến giữa tháng 4, phải đến Bệnh viện Quân Y 175 (TP.HCM) khám sức khỏe để chuẩn bị hồ sơ đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, cô gái 19 tuổi mới biết mình đã bị suy thận mạn. “Bác sĩ nói, tôi sẽ phải chạy thận suốt đời nếu không tìm được thận thay thế. Bây giờ, tôi không chỉ phải từ bỏ giấc mơ sang Hàn làm việc mà phải mang bệnh suốt đời” cô gái 19 tuổi vừa khóc vừa nói.

Trâm cho biết, hiện ngoài phải tuân thủ việc chạy thận định kỳ, cô được bác sĩ khuyến cáo ăn uống đủ chất, dùng các thức ăn dành cho người bị bệnh thận, không thức khuya, uống đủ nước và vận động thường xuyên bằng các bài tập như: đi bộ, đạp xe, bơi lội, làm vườn…

Hiện Trâm đã về quê đề điều trị bệnh. Ảnh minh họa.

Nước ngọt có ga là nguyên nhân dễ gây sỏi thận

BS.CK2 Lê Thị Đan Thùy, Trưởng Khoa Nội Thận - Lọc máu, Bệnh viện Bình Dân, thận là một cơ quan quan trọng giúp bài tiết nước tiểu, bài tiết chất thải và chất độc cũng như điều chỉnh nồng độ điện giải cho cơ thể. Hiện nay, vì có các thói quen không tốt, nhiều người người trẻ bị sỏi thận dẫn đến suy thận và phát hiện ở giai đoạn muộn. Theo thống kê, cứ 10 người trẻ thì có 1 người bị suy thận, nhưng tỷ lệ phát hiện sớm lại rất ít.

Ở ng người bị suy thận mạn thường do mắc các bệnh lý như tiểu đường, huyết áp… ở người lớn tuổi. Còn ở người trẻ tuổi thì do các bệnh viêm cầu thận, thận đa nang… Ngoài ra, việc nhiều người có thói quen lười vận động, ăn mặn, ăn thừa năng lượng, hút thuốc lá, uống rượu bia, thường xuyên thức khuya, stress cũng là các yếu tố làm cho bệnh thận diễn tiến nhanh và nặng hơn.

Việc nhiều người có thói quen uống nhiều nước ngọt, trà sữa, cà phê muối cũng là nguyên nhân dễ gây ra sỏi thận, về lâu dài dễ dẫn đến suy thận. Một nguyên cứu của Trường Đại học Y Harvard (Mỹ), những người thường xuyên uống nước ngọt có ga có nguy cơ hình thành sỏi thận tăng lên 23%. Bởi hầu hết nước uống có ga đều dùng chất tạo độ ngọt fructose. Chất này khi vào cơ thể với lượng lớn có thể làm tăng canxi, oxalate và axit uric trong nước tiểu. Sự kết hợp của oxalate, axit uric, canxi ở mức độ cao tạo điều kiện cho sỏi thận hình thành.

Uống đủ nước là cách giúp chúng ta ngừa sỏi thận, giúp thận đào thải tốt. Ảnh minh họa.

Ngoài ra, trong nước ngọt có chất axit photphoric được thêm vào để giảm sự phát triển của vi khuẩn và nấm, cải thiện thời hạn sử dụng. Theo Viện Khoa học Sức khỏe Môi trường Quốc gia (Mỹ), thức uống chứa axit photphoric có thể tạo ra những thay đổi trong đường tiết niệu, thúc đẩy hình thành sỏi thận, tăng nguy cơ phát triển bệnh thận mạn tính.

Theo bác sĩ Thùy, một nguyên nhân khiến một người không mắc bệnh lý nền bị sỏi thận là mất nước và uống quá ít nước như trường hợp trên. Vì vậy, chúng ta nên uống 1,5-2l nước/ngày để giúp thận hoạt động tốt, tránh gây ra sỏi thận. Ngoài ra, không nên hoặc cần hạn chế uống nước ngọt, tự ý dùng thuốc, các loại lá cây có dược tính để dùng với mục tiêu làm đẹp hay chữa bệnh mà không rõ thành phần của thuốc và chức năng thận của bản thân.

Nên đi khám ngay nếu thấy có các triệu chứng bất thường như phù, tiểu đêm, đau đầu, tăng huyết áp... Đặc biệt, nếu phát hiện tăng huyết áp cần chú ý kiểm soát, không chủ quan, lơ là vì dễ dẫn đến những bệnh nguy hiểm như suy thận, đột quỵ. 

* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.

DIỆU THUẦN

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/ngay-nao-cung-uong-thu-nuoc-nay-3-nam-sau-co-gai-19-tuoi-khoc-nuc-no-nhan-tin-bi-suy-than-giai-doan-cuoi-a609595.html