Với đa dạng các phương thức xét tuyển, nhiều kỳ thi riêng được tổ chức mở ra nhiều cơ hội vào đại học của học sinh. Tuy nhiên điều này cũng tạo ra sự mất cân đối trong tuyển sinh cao đẳng, đại học, nhiều trường cao đẳng nhiều năm liền khó tuyển đủ chỉ tiêu tạo ra khó khăn về nhiều mặt.
Theo các chuyên gia việc không đảm bảo đầu ra, không có cơ chế mở trong giáo dục là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Đặng Minh Tuấn – Giảng viên khoa Sư phạm, Đại học Giáo dục, ĐHQGHN cho rằng, việc đào tạo nhân lực chất lượng cao cần có sự tham gia cả hệ thống trung cấp, cao đẳng và đại học.
"Trong nhiều năm hệ thống giáo dục nghề nghiệp không tuyển sinh được là một sự đau xót khi mất đi một nguồn đào tạo lớn, chất lượng cao. Quan niệm hiện nay còn sính đại học, điều này rất sai lầm, ở bậc đại học các em phải học 4 năm trong khi nhiều học sinh có những năng lực cụ thể thì phải phát triển theo hướng giáo dục nghề nghiệp chỉ cần 1-2 năm là có thể làm việc được ngay”, ông Tuấn bày tỏ.
Theo chuyên gia, để tránh lãng phí cần phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp một cách toàn diện, chất lượng cao và chuyên sâu vào kỹ thuật, công nghệ, môi trường,… là những ngành cần cung cấp nguồn lực có tay nghề.
Ngoài ra, cũng rất cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp trong quá trình tuyển dụng. “Có những việc, vị trí việc làm không cần đến bậc đại học, nhà tuyển dụng phải hiểu rõ ở vị trí nào thì cần trung cấp hay cao đẳng. Nếu muốn trình độ bậc cao thì phải trả mức lương tương xứng, như vậy thì chắc chắn sẽ có sự phân hoá”, ông Đặng Minh Tuấn đưa ra giải pháp.
Còn đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng cần tự tìm hướng đi cho mình bằng cách nâng cao tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm sớm, tìm đầu ra cho các em thì chắc chắn sẽ có nguồn tuyển sinh.
“Chúng ta cũng cần truyền thông nhằm phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề chất lượng cao. Tránh thực trạng như hiện nay còn sính danh, sính bằng cấp, bỏ quan điểm học đại học giỏi hơn người học trung cấp, trong khi lại dễ dàng bước vào cách cổng đại học”, ông Đặng Minh Tuấn nói.
Còn theo TS.Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, còn nhiều rào cản khiến người học e ngại việc phải chọn học cao đẳng hay các trường nghề.
Cụ thể, chuyên gia đánh giá xu hướng chung của thế giới hiện nay cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ nằm trong cùng một bậc học là giáo dục đại học, với nguyên tắc từ cao đẳng có thể học liên thông lên các bậc cao hơn tuỳ thuộc vào năng lực, tài chính của người học - đây là cơ chế mở trong giáo dục đại học.
Nếu như vậy, học sinh sẽ không ngại ngần ngại nếu chọn học cao đẳng hay đại học vì sẽ có cơ hội rộng mở để học tiếp các trình độ tiếp theo.
Tuy nhiên, ở Việt Nam lại không giống như vậy. “Hiện nay vẫn còn khá nhiều vướng mắc trong câu chuyện liên thông, các trường cao đẳng hiện nay đi theo hướng nghề nghiệp, điều này tạo ra thế khó, rào cạn cho học sinh muốn học liên thông và dẫn đến việc khó tuyển sinh ở bậc học này”, TS.Lê Viết Khuyến cho hay.
Theo Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024 của Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp trong năm 2023, công tác tuyển sinh của ước đạt 2.295.000 người (đạt 100% kế hoạch năm), trong đó: trình độ cao đẳng, trung cấp là 530.000 người; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác là 1.765.000 người. Đây là kết quả có tín hiệu tích cực, thực hiện việc phân luồng tốt hơn, đặc biệt là tuyển sinh được nhiều học sinh, sinh viên đăng ký học các ngành, nghề trọng điểm mũi nhọn.
Về mạng lưới cơ sở GDNN, hiện nay, cả nước có 1.886 cơ sở GDNN gồm: 399 trường cao đẳng, 429 trường trung cấp và 1.058 trung tâm GDNN. Tổng số cơ sở GDNN ngoài công lập là 684 cơ sở (chiếm 36,2%) . So với thời điểm ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW, cả nước đã giảm 181 cơ sở GDNN công lập (giảm 14%).
Nguyễn Hoa Trà/Người đưa tin
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/giao-duc-nghe-nghiep-khong-tuyen-sinh-duoc-la-mot-su-dau-xot-a609612.html