Nắng nóng đỉnh điểm: Làm sao để da không cháy nắng, tránh ung thư? Đây là cách bảo vệ da của bác sĩ da liễu

Trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, thời tiết nắng nóng bao trùm cả nước, vì thế việc bảo vệ làn da đúng cách sẽ tránh được nguy cơ ung thư và nhiều hệ lụy khác tới sức khỏe.

Theo dự báo từ Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, trong những ngày tới với tác động của hoàn lưu vùng thấp nóng phía Tây, Bắc Bộ sẽ nắng nóng gay gắt, mức nhiệt cao nhất trong ngày ở Tây Bắc Bộ từ 36-39 độ C, có nơi trên 40 độ C; Đông Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội nhiệt độ cao 36-38 độ C, có nơi trên 38 độ C.

Các tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa-Phú Yên sẽ xảy ra nắng nóng gay gắt và nắng nóng đặc biệt gay gắt với nhiệt độ 37-40 độ C, có nơi trên 40 độ C. Từ 26-30/4 khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp diễn tình trạng nắng nóng trên diện rộng với mức nhiệt cao 35-37 độ C, có nơi trên 38 độ C. Đợt nắng nóng gay gắt này trùng vào dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, vì thế việc bảo vệ sức khỏe nói chung, làn da nói riêng khi di chuyển, đi du lịch là rất quan trọng.

Nắng nóng đỉnh điểm trong những ngày nghỉ lễ, chuyên gia khuyên mọi người chủ động bảo vệ làn da. Ảnh minh họa. 

BSCK II Nguyễn Tiến Thành (thành viên Hội Da liễu Việt Nam) cho biết, khi thời tiết nắng nóng, nếu không bảo vệ làn da đúng cách sẽ gây nên những hệ lụy tới sức khỏe. Nắng nóng, ngoài việc da bài tiết nhiều dầu gây cảm giác khó chịu, làn da còn dễ sậm màu và có nguy cơ cháy nắng. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, tia UV trong ánh nắng là nguyên nhân chính gây ung thư da. “Không có biện pháp chống nắng nào là đạt hiệu quả 100%, vì thế mọi người cần kết hợp nhiều cách để bảo vệ da tốt nhất” bác sĩ Thành tư vấn.

Dưới đây là một số cách được bác sĩ Thành hướng dẫn để bảo vệ da trong những ngày nắng nóng:

Sử dụng kem dưỡng ẩm hai chức năng

Việc thoa kem dưỡng ẩm và kem chống nắng riêng biệt nhau có thể là quá nhiều, dễ làm bít tắc lỗ chân lông hoặc gây ra mụn trứng cá. Vì thế, nên sử dụng một loại kem dưỡng ẩm dịu nhẹ có SPF từ 30 trở lên, vừa bảo vệ được da, vừa giúp dưỡng ẩm.

Bôi kem chống nắng đúng cách

Bôi kem chống nắng trước khi bước ra ngoài trời để tránh tổn thương da là điều cần thiết. Lưu ý, không chỉ thoa trên khuôn mặt mà còn ở các phần cơ thể tiếp xúc với ánh nắng. Theo bác sĩ Thành, kem chống nắng tạo thành một lớp màng ngăn chặn tia UV xâm nhập vào tế bào da. Lớp màng này có thể là màng vật lý hoặc hóa học, hoạt động thông qua cơ chế phản xạ, hấp thụ hoặc tán xạ mặt trời nhưng mục đích cuối cùng là hạn chế tối đa lượng tia UV xâm nhập vào tế bào da.

Kem chống nắng không chỉ bảo vệ da khỏi đen mà còn chống nguy cơ ung thư từ tia UV. Ảnh minh họa. 

Dùng nước cân bằng da dịu nhẹ

Nước cân bằng da hay còn gọi là nước hoa hồng có tác dụng se khít các lỗ chân lông trên da, giúp khắc phục tình trạng da sản xuất nhiều dầu nhờn tích tụ trong các lỗ chân lông, khi trời nắng nóng. Có thể chọn các loại nước cân bằng với lô hội hoặc dưa chuột.

Rửa mặt hai lần trong ngày

Khi trời nóng, da đổ dầu nhiều hơn, cộng với mồ hôi sẽ gây khó chịu, có thể phát sinh thêm mụn trứng cá. Nên rửa bằng sữa rửa mặt dạng bọt hai lần trong ngày, buổi sáng sau khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ để giúp da luôn thông thoáng, giữ được độ ẩm trong da.

Tẩy tế bào chết 1-2 lần mỗi tuần

Làn da vào mùa hè dễ bị khô và sậm màu, vì thế cần tẩy tế bào chết thường xuyên. Có thể sử dụng các sản phẩm tẩy tế bào chết dành cho da mặt bán sẵn trên thị trường hoặc các phương pháp tự nhiên tại nhà, như bột cà phê trộn với dầu và muối biển. Việc này không chỉ giúp loại bỏ tất cả các tế bào khô, chết khỏi lỗ chân lông mà còn làm trẻ hóa da và giúp da khỏe mạnh hơn. Lưu ý, không nên tẩy da chết quá mức vì dễ để lại vết thâm tím trên da hoặc đỏ da, có thể thực hiện 1-2 lần mỗi tuần.

Tẩy tế bào chết định kỳ cũng sẽ giúp làn da trẻ hóa. Ảnh minh họa. 

Uống nhiều nước để giữ độ ẩm cho da

Uống nhiều nước không chỉ giúp đào thải các độc tố ra khỏi cơ thể mà còn giữ cho làn da rạng rỡ, mềm mại. Cần uống đủ nước, ít nhất 1,5 - 2 lít nước/ngày, chia thành nhiều lần trong ngày, tránh uống quá nhiều nước trong một lần.

Ngoài ra, mọi người nên sử dụng thêm các biện pháp chống nắng khác khác như đội nón rộng vành, sử dụng khẩu trang, mặc áo khoác chống nắng, đeo kính mắt, tránh nắng trong bóng râm… để bảo vệ da tối ưu trước sự ảnh hưởng của tia UVA/UVB. Tốt nhất, nên tránh ra đường giữa thời điểm nắng gắt đỉnh điểm, khoảng từ 11 giờ sáng tới 3 giờ chiều.

Bảo vệ da từ bên trong bằng các thực phẩm có tác dụng thanh nhiệt trong bữa ăn hàng ngày. Ảnh minh họa.

Cùng với các biện pháp bảo vệ da từ bên ngoài, bác sĩ Thành cũng khuyến cáo, mọi người cần tăng cường sức đề kháng hiệu quả, giúp làn da khỏe từ bên trong. Cần ăn chế độ ăn đa dạng, đầy đủ dinh dưỡng và nên chọn thực phẩm dễ tiêu hóa, món nhiều nước. Ưu tiên các thực phẩm có tác dụng thanh nhiệt, giải độc cơ thể để chống nắng nóng như trái cây, rau xanh, chè hạt sen, sữa chua, sữa tươi…

Khi gặp vấn đề về da do ánh nắng, mọi người nên đến các cơ sở y tế có bác sĩ chuyên khoa về da liễu để được thăm khám, điều trị. 

LÊ PHƯƠNG.

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nang-nong-dinh-diem-lam-sao-de-da-khong-chay-nang-tranh-ung-thu-day-la-cach-bao-ve-da-cua-bac-si-da-lieu-a609839.html