Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2024 được tổ chức vào các ngày 26, 27, 28, 29/6 tới. Trong đó: Ngày 26/6: làm thủ tục dự thi; ngày 27- 28/6: tổ chức coi thi; ngày 29/6: dự phòng.
Tính tới thời điểm hiện tại mặc dù cuối tháng 6 kỳ thi tốt nghiệp THPT mới diễn ra nhưng ngay từ đầu năm 2024, nhiều trường đại học (ĐH) đã thông báo nhận hồ sơ xét tuyển sớm.
Với ưu thế tạo thêm nhiều cơ hội cho thí sinh trúng tuyển đại học mà không cần lệ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển sớm đang trở thành phương thức được nhiều thí sinh lựa chọn.
Theo đó, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người học khi tham gia xét tuyển sớm, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) yêu cầu các trường ĐH không được thu phí giữ chỗ hoặc hồ sơ nhằm “ép” thí sinh phải xác nhận nhập học sớm.
Thông tin trên báo Công An Nhân Dân theo quy định của Bộ GD&ĐT, thí sinh có nhu cầu đăng ký xét tuyển (ĐKXT) sớm sẽ phải nộp hồ sơ tại trường ĐH theo quy định trong thông báo tuyển sinh của trường. Trường sẽ tiến hành xét tuyển và công bố kết quả xét tuyển sớm nhưng kết quả chỉ là tạm thời, có điều kiện.
Thí sinh đã được trường thông báo trúng tuyển sớm phải tiếp tục đăng ký NVXT trên hệ thống của Bộ GD&ĐT để được xét tuyển theo quy định. Kết quả trúng tuyển sớm chỉ được công nhận chính thức khi thí sinh đã được công nhận tốt nghiệp THPT, có đặt nguyện vọng ĐKXT trên hệ thống vào ngành mà thí sinh đủ điều kiện và được công nhận trúng tuyển trên hệ thống của Bộ GD&ĐT.
Nguyên tắc xét tuyển của Bộ GD&ĐT là tất cả các NVXT của thí sinh vào trường được xử lý trên hệ thống xét tuyển chung và mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng đã đăng ký khi bảo đảm điều kiện trúng tuyển; tất cả các thí sinh xác nhận nhập học bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống trước khi nhập học tại trường. Do đó, thí sinh cần phải nắm vững quy định này khi tham gia xét tuyển sớm để tránh sai sót.
Để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh khi tham gia xét tuyển sớm, Bộ GD&ĐT yêu cầu các nhà trường có trách nhiệm thông báo cho thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển để thí sinh có đủ thông tin và chủ động trong việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển lên hệ thống, đồng thời cập nhật danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm lên hệ thống chậm nhất vào 17h ngày 10/7. Trường hợp thí sinh không đủ điều kiện trúng tuyển như đã thông báo, các trường phải kịp thời liên hệ, thông báo cho thí sinh biết và có phương án hỗ trợ thí sinh.
Đặc biệt, các trường ĐH không được yêu cầu hoặc thỏa thuận với thí sinh việc cam kết, xác nhận nhập học sớm dưới bất kỳ hình thức nào như nộp kinh phí giữ chỗ, thu giữ hồ sơ. Các trường phải quy định tất cả thí sinh xác nhận nhập học bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống, trước khi nhập học tại trường; không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học hoặc nhập học trước ngày 19/8 và không được kết thúc xác nhận nhập học hoặc kết thúc nhập học trước 17h ngày 27/8, kể cả đối với các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cũng lưu ý, việc yêu cầu thí sinh trúng tuyển sớm đăng ký NVXT trên hệ thống của Bộ GD&ĐT nhằm đảm bảo quyền lợi của thí sinh. Khi đó, thí sinh không bắt buộc phải xác nhận nhập học bằng xét tuyển sớm nhưng vẫn đảm bảo việc trúng tuyển phương thức này đồng thời vẫn có thể tăng thêm cơ hội xét tuyển bằng các phương thức khác như điểm thi tốt nghiệp THPT.
Theo bà Thủy, trong mùa tuyển sinh năm 2023, có trên 375.500 thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển qua các phương thức xét tuyển sớm nhưng chỉ có trên 147.000 thí sinh đăng ký ở nguyện vọng 1 và trúng tuyển sau lọc ảo. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, chỉ có khoảng 39,2% thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển sớm quyết định nhập học bằng phương thức này.
Thông tin thêm trên Sức khỏe & Đời sống theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống chung của Bộ từ ngày 18/7 và được điều chỉnh nguyện vọng, không giới hạn số lần, đến 17h ngày 30/7.
Từ ngày 31/7 đến 17h ngày 6/8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến.
Chậm nhất ngày 21/7, Bộ GD&ĐT sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) với khối ngành sức khỏe và sư phạm, rồi xử lý nguyện vọng xét tuyển của thí sinh từ ngày 13/8 đến 17h ngày 17/8.
Trước 17h ngày 19/8, các trường phải công bố điểm chuẩn, thông báo cho thí sinh trúng tuyển đợt 1, sớm hơn so với năm ngoái 3 ngày. Đến 17h ngày 27/8, thí sinh hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến.
Trong đó, thí sinh làm bài thi Toán và Ngữ văn vào ngày 27/6. Ngày 28/6, thí sinh làm bài thi Ngoại ngữ và một bài thi tổ hợp là Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Bộ GD&ĐT dự kiến công bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 từ 8h sáng 17/7. Nếu thắc mắc về kết quả, thí sinh có 10 ngày để làm đơn phúc khảo. Thời gian xét công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh chậm nhất ngày 19/7.
Bộ GD&ĐT công bố danh mục 20 phương thức xét tuyển đại học năm 2024
Bộ GD&ĐT lưu ý, trước khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin về mã trường, mã xét tuyển được cơ sở đào tạo công khai trong đề án tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo để nhập cho chính xác.
Đối với cơ sở đào tạo, Bộ GD&ĐT lưu ý, mã phương thức xét tuyển gồm 3 ký tự do cơ sở đào tạo tự định nghĩa nhưng phải tham chiếu với mã phương thức xét tuyển do Bộ GD&ĐTT quy định (trong trang Nghiệp vụ), hoặc có thể sử dụng mã phương thức xét tuyển do Bộ GD&ĐT quy định.
Đối với phương thức xét tuyển theo kết quả thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc kết quả học tập cấp THPT (có sử dụng mã tổ hợp như xét tuyển theo phương thức sử dụng kết quả thi THPT) sử dụng mã tổ hợp xét tuyển do Bộ GD&ĐT quy định; đối với các tổ hợp có môn năng khiếu, các môn năng khiếu NK1, NK2 là do cơ sở đào tạo quy định.
Đối với các phương thức xét tuyển khác, mã tổ hợp gồm 3 ký tự do cơ sở đào tạo tự quy định.
Trúc Chi (t/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/xet-tuyen-dai-hoc-som-2024-cac-truong-dai-hoc-khong-duoc-thu-phi-giu-cho-a610065.html