Vừa qua, VFG đã công bố báo cáo tài chính quý I/2024, qua đó hé lộ mức lương khủng của dàn lãnh đạo công ty. Cụ thể, tổng thu nhập trong 3 tháng đầu năm của thành viên HĐQT và Ban Điều hành VFG tăng đột biến từ 17,2 tỷ đồng cùng kỳ lên 64,2 tỷ đồng, thậm chí bỏ xa mức 24 tỷ đồng của cả năm 2023.
Đáng chú ý, bà Nguyễn Bạch Tuyết – Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc nhận thu nhập lên đến 22,3 tỷ đồng. Như vậy, bình quân mỗi tháng, bà Tuyết nhận hơn 7 tỷ đồng.
Được biết, bà Nguyễn Bạch Tuyết sinh năm 1942, đã nắm giữ ghế Chủ tịch HĐQT VFG từ năm 2001 đến nay. Bên cạnh đó, bà đồng thời đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc công ty từ năm 2001 đến tháng 09/2009.
Đứng sau bà Tuyết là ông Trương Công Cứ - Tổng Giám đốc, thành viên HĐQT VFG nhận mức thu nhập 20,5 tỷ đồng, cao gấp 4 lần cùng kỳ năm 2023.
Ông Trần Văn Dũng – Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc cũng nhận về 15,8 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ.
Các thành viên còn lại trong HĐQT và Ban Điều hành nhận mức thu nhập gấp đôi cùng kỳ, dao động từ 897 triệu đồng đến gần 3 tỷ đồng. Ngoài ra, tổng thu nhập của thành viên Ban Kiểm soát cũng tăng hơn 25% so với cùng kỳ, tương đương 200 triệu đồng.
Mức thu nhập tăng đột biến này của lãnh đạo VFG một phần đến từ kết quả kinh doanh khởi sắc trong 3 tháng đầu năm 2024 của công ty. Cụ thể, VFG ghi nhận doanh thu thuần 965,8 tỷ đồng, tăng trưởng 40% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp theo đó cũng tăng 67%, tương đương 230,5 tỷ đồng.
Nhờ vậy, dù chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp trong kỳ tăng cao, ghi nhận lần lượt 117,8 tỷ đồng (gấp đôi cùng kỳ) và 24 tỷ đồng (tăng 57%), lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty vẫn thu về 97,5 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ 38%.
Trừ đi thuế và các chi phí khác, VFG báo lãi ròng 78,6 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ, qua đó ghi nhận khoản lãi trong quý cao thứ 2 lịch sử công ty, chỉ sau mức lợi nhuận 117 tỷ đồng trong quý IV/2023.
Giải trình nguyên nhân, VFG cho rằng chủ yếu do giá một số nông sản chính như gạo, sầu riêng, cà phê… tăng. Đồng thời, công ty cũng cân đối dòng tiền, ghi nhận các khoản chiết khấu từ nhà cung cấp, đẩy mạnh chiến lược marketing, quảng cáo, cân đối sử dụng hợp lý vốn vay… qua đó góp phần giúp lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ.
Tại thời điểm cuối tháng 03/2024, tổng tài sản của VFG đạt 2.550 tỷ đồng, giảm gần 400 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, lượng tiền gửi ngân hàng giảm mạnh 200 tỷ đồng, chỉ còn 288 triệu đồng. Tuy nhiên, lượng tiền mặt lại tăng đột biến từ 129,8 tỷ đồng lên 302,7 tỷ đồng.
Được biết, VFG được thành lập từ năm 1993, hoạt động kinh doanh chính là dịch vụ khử trùng và kinh doanh nông dược như thuốc trừ sâu, trừ cỏ, trừ bệnh và phân bón. Công ty được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) từ năm 2009.
Ngọc Bảo
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nu-chu-tich-ctcp-khu-trung-viet-nam-vfg-thu-nhap-hon-7-ty-dongthang-a610085.html