Bị phạt vì gây thương tích cho em gái
Ngày 15/5, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã có quyết định xử vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình đối với anh N.T.H., SN 1993, ngụ huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam với số tiền bị xử phạt là 15 triệu đồng.
Theo quyết định này, anh H. đã có hành vi sử dụng công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên trong gia đình.
Hành vi này vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều 52 Nghị định số 144/2021/NĐCP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
Ngoài bị phạt tiền, anh H. còn bị buộc chi trả toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh cho nạn nhân. Thời gian thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả 30 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định xử phạt.
Anh H. có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt này theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, ông Bửu còn giao Công an tỉnh Quảng Nam gửi Quyết định xử phạt cho người vi phạm để thi hành; theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Quyết định xử phạt và báo cáo kết quả về Chủ tịch UBND tỉnh.
Theo kết quả điều tra của cơ quan chức năng, vào khoảng 16h ngày 11/2, anh N.T.H., SN 1993, ngụ huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, uống khoảng 4 lon bia tại nhà bố ruột.
Trong lúc nhậu, giữa anh H. và em gái có xảy ra mâu thuẫn. Hai bên cãi nhau qua lại. Do bực tức, anh này cầm khay thủy tinh đựng hạt dưa ném trúng đầu em gái. Sau đó, anh H. vào giường ngủ. Riêng em gái, được người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Thăng Hoa, tỉnh Quảng Nam.
Trong quá trình làm việc với cơ quan chức năng, anh H. thừa nhận toàn bộ hành vi đã gây ra.
Theo bản giám định thương tích của Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Nam kết luận, tỉ lệ thương tích của em gái anh H. là 3%.
Trong vụ việc này, nạn nhân không có yêu cầu xin lỗi công khai.
Bài học cảnh tỉnh cho mọi người
Luật sư Mai Quốc Việt, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng cho biết, theo khoản 1 Điều 20 Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kì hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.
Như vậy, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Do đó, hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe của người khác là hành vi vi phạm pháp luật.
Tại khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, Chống bạo lực gia đình 2022 quy định hành vi đánh đập, đe doạ thành viên trong gia đình được xem là một trong những hành vi bạo lực gia đình.
Tuỳ vào tính chất, mức độ của hành vi mà người gây thương tích cho thành viên trong gia đình có thể bị xử phạt hành chính, hoặc nếu mức độ thương tích đủ truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử lý hình sự.
Luật sư Mai Quốc Việt phân tích thêm, hiện nay, theo quy định tại Điều 19 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, khi bị bạo lực gia đình hoặc phát hiện hành vi bạo lực gia đình, người dân có thể tố giác, thông báo qua ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; cơ quan Công an, Đồn Biên phòng gần nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; Cơ sở giáo dục nơi người bị bạo lực gia đình là người học.
Ngoài ra, người dân có thể tố giác qua Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; Người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình.
Việc báo tin, tố giác về hành vi bạo lực gia đình đến địa chỉ nêu trên thực hiện theo các hình thức gọi điện, nhắn tin; gửi đơn, thư; trực tiếp báo tin.
Người bị bạo hành hoặc người chứng kiến hành vi bạo lực gia đình xảy ra, cần phải báo tin, tố giác ngay đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nêu trên.
Cung cấp các thông tin về hành vi bao lực gia đình, cụ thể: người có âm thanh, hình ảnh về hành vi bạo lực gia đình có quyền cung cấp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết vụ việc bạo lực gia đình.
Việc sử dụng âm thanh, hình ảnh về hành vi bạo lực gia đình trong quá trình giải quyết vụ việc bạo lực gia đình và đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng, internet phải được sự đồng ý của người bị bạo lực gia đình hoặc người giám hộ, người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Ngoài ra, Theo khoản 1 Điều 9 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, người bị bạo lực gia đình có quyền khởi kiện hành vi vi phạm về phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đó, người này hoàn toàn có thể kiện đến Tòa án để yêu cầu người bạo lực bồi thường cho mình về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản (nếu có) đồng thời khắc phục hậu quả do hành vi bạo lực gia đình gây ra.
“Sự việc trên đây là bài học cảnh tỉnh cho mọi người trong gia đình cần có ứng xử chừng mực, tránh việc gây thương tích cho người khác, vừa chịu các chế tài xử lý từ cơ quan nhà nước và làm tổn hại sức khỏe cho người thân, vừa gây mâu thuẫn gia đình”, luật sư Mai Quốc Việt nói.
Nguyễn Duy Cường
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/bai-hoc-dat-gia-cho-nguoi-dan-ong-bao-luc-gia-dinh-o-quang-nam-a610291.html