Từ khi vụ việc xảy ra cho đến nay, chị N.T.V. (SN 1988, trú tại quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, vẫn bàng hoàng, xót xa vì mất đứa con còn trong bụng chưa kịp chào đời.
Nỗi đau này xuất phát từ ngày 1/10/2023, chị về nhà anh H. là bạn trai (ở xã Lý Thường Kiệt, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) chơi. Buổi chiều, chị bất ngờ bị nhóm người lạ mặt đánh, sau đó ít ngày thì cái thai 7 tuần trong bụng không thể giữ nổi.
Trả lời báo Phụ nữ Việt Nam hôm 6/5 vừa qua, lãnh đạo UBND xã Lý Thường Kiệt cho biết, anh H. từng có vợ, đã ly hôn vài năm, họ có với nhau 2 con chung, trong đó người con lớn đã đi bộ đội. Chị V. và anh H. quen nhau khi anh này đi làm việc tại Hà Nội. Còn về nguyên nhân dẫn đến sự việc, vị cán bộ từ chối chia sẻ vì thẩm quyền của phía công an.
Được biết, công an huyện Yên Mỹ đang thụ lý điều tra vụ việc này.
Ở góc nhìn pháp lý, Luật sư Lê Thanh Bình - Công ty Luật FDVN cho biết: “Theo quy định tại Điều 134 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì hành vi của nhóm người này có thể cấu thành “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”. Tội danh này có khung hình phạt thấp nhất là cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm và khung hình phạt cao nhất là bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân”.
Luật sư Bình phân tích thêm: “Nếu nhóm người này biết chị V. đang có thai nhưng vẫn thực hiện hành vi phạm tội thì đây được xem là tình tiết định khung hình phạt thuộc trường hợp “Đối với phụ nữ mà biết là có thai” quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 134 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Còn trường hợp, nhóm người này không biết chị V. có thai thì đây được xem là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội đối với phụ nữ có thai” quy định tại điểm i Khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)”.
Cũng theo luật sư Bình, qua quá trình điều tra Cơ quan có thẩm quyền sẽ căn cứ cụ thể vào hành vi, tình tiết và tỷ lệ tổn thương cơ thể của chị V. để xác định tội danh, hình phạt thích đáng với nhóm người có hành vi vi phạm cũng như đồng phạm khác (nếu có).
“Vẫn theo giả thiết “nếu có”, trường hợp hành vi cấu thành tội danh khác thì nhóm người này còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự với tội danh đó. Ngoài trách nhiệm hình sự thì nhóm người này còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho chị V., bao gồm thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, thiệt hại do tài sản bị xâm phạm nếu có theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.
Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại; Thiệt hại khác do luật quy định.
Ngoài ra, chị V. còn có quyền yêu cầu được bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần mà chị V gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”, vị luật sư thông tin.
PV
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/goc-nhin-phap-ly-vu-nguoi-phu-nu-to-bi-danh-say-thai-khi-ve-nha-ban-trai-o-hung-yen-a610335.html