Nato chuẩn bị ứng phó cuộc tấn công tiềm tàng của Nga

Các quốc gia thành viên NATO đã đồng ý với kế hoạch duy trì lực lượng ứng phó với cuộc tấn công của Nga từ năm 2023. Nato còn lên kế hoạch huy động lực lượng hậu cần

Ngày 5/6, VTC News dẫn tin từ hãng RT cho biết, các thành viên NATO đã đồng ý duy trì 300.000 quân sẵn sàng triển khai, nhằm mục đích đối phó với một cuộc tấn công tiềm tàng của Nga từ năm 2023. Tuy nhiên, hoạt động huấn luyện đã bộc lộ nhiều vấn đề về cơ sở hạ tầng, khiến việc luân chuyển nhân sự và trang thiết bị trên thực địa gặp nhiều khó khăn.

Do đó, giới lãnh đạo quân sự NATO đang nỗ lực đảm bảo quân nhân dự bị cần thiết trước nguy cơ xảy ra đụng độ quân sự với Nga. “Rõ ràng các căn cứ hậu cần khổng lồ từ Afghanistan và Iraq không còn khả thi, vì chúng sẽ bị tấn công và phá hủy từ rất sớm nếu xảy ra xung đột”, người đứng đầu Bộ chỉ huy hậu cần JSEC của NATO Alexander Sollfrank cho biết. 

Xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 Abrams của Mỹ tham gia huấn luyện với các thành viên NATO. Ảnh: VTC News

Xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 Abrams của Mỹ tham gia huấn luyện với các thành viên NATO. Ảnh: VTC News

Báo Hà Nội mới cũng đưa tin theo tờ Russia Today, tuyến đường chính của quân đội Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột với Nga sẽ là qua cảng Rotterdam của Hà Lan để đến Đức và Ba Lan. Các hành lang thay thế từ Italia, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lần lượt đi qua Slovenia và Croatia đến Hungary, qua Bulgaria và Romania. Ngoài ra, còn có kế hoạch huy động sự tham gia của Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan vào hoạt động hậu cần dự phòng.

Mỹ và các đồng minh cáo buộc Nga có thể tấn công NATO nên việc gửi vũ khí tới Ukraine sẽ giúp trì hoãn hoặc ngăn chặn kịch bản này. Nga đã phủ nhận bất kỳ ý định nào như vậy và cáo buộc phương Tây cung cấp thông tin sai lệch về xung đột ở Ukraine.

Nga cho rằng, một cuộc xung đột trực tiếp với NATO sẽ là mối đe dọa hiện hữu đối với quốc gia này khi xét đến ưu thế vượt trội của NATO về lực lượng thông thường. Do đó, Nga cảnh báo, bất kỳ cuộc đụng độ nào như vậy sẽ dẫn đến việc triển khai vũ khí hạt nhân theo học thuyết hạt nhân của nước này.

Ngày 4/6, tạp chí Time đăng tải cuộc phỏng vấn Tổng thống Mỹ Joe Biden, theo đó, ông Biden đã nói về các chính sách của ông đối với Ukraine và một số vấn đề khác.

“Hòa bình có nghĩa là đảm bảo rằng Nga sẽ không bao giờ chiếm đóng Ukraine. Hòa bình trông như thế đó và không có nghĩa họ (Ukraine) là một phần của NATO. Điều này có nghĩa chúng tôi có mối quan hệ với họ như chúng tôi làm với các quốc gia khác – cung cấp vũ khí để họ có thể tự vệ trong tương lai”, ông Biden phát biểu, đồng thời khẳng định bản thân “không sẵn sàng ủng hộ việc NATO hóa Ukraine”.

Cũng theo lãnh đạo Nhà Trắng, ông đã đồng ý công bố thông tin tình báo về chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow ở Ukraine “để cho thế giới biết Mỹ vẫn nắm quyền kiểm soát và biết chuyện gì đang xảy ra”. Ông Biden tự hào khẳng định Mỹ “hiện là quốc gia mạnh nhất thế giới”.

Cả Nga và Ukraine đều chưa lên tiếng bình luận trước phát biểu trên của ông Biden, báo VietNamnet dẫn tin.

Bảo An (T/h)/Đời sống Pháp luật

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nato-chuan-bi-ung-pho-cuoc-tan-cong-tiem-tang-cua-nga-a610991.html